Công tố viên được hội ý cùng tòa?

Một bên cho rằng công tố viên được vào phòng nghị án hội ý, một bên kiên quyết nói không.

Mới đây, trong phiên xử vụ bị cáo H. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TAND TP.HCM, một luật sư đã yêu cầu thư ký phiên tòa lập biên bản việc công tố viên cùng HĐXX hội ý trong phòng nghị án. Theo luật sư, việc làm trên của hai bên là sai tố tụng.

Người trong, kẻ ngoài

Trước khi phiên tòa mở ra, luật sư bào chữa cho bị cáo H. đã có đơn đề nghị tòa triệu tập một số người liên quan trong vụ án tham dự phiên xử. Tòa đồng ý triệu tập. Nhưng ngày mở phiên tòa, những người này vắng mặt.

Ngay ở phần thủ tục, luật sư nhắc lại yêu cầu vì cho rằng lời khai của những người liên quan là mấu chốt làm sáng tỏ vụ án. Do họ vắng mặt, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa để tòa có thời gian triệu tập họ cho bằng được. HĐXX thông báo tạm hoãn phiên xử để vào phòng nghị án hội ý.

Ngay lúc HĐXX hội ý, luật sư đi ngang, nhìn vào phòng nghị án thấy có công tố viên ngồi đó. Luật sư liền đề nghị thư ký lập biên bản. Tuy nhiên yêu cầu này đã không được đáp ứng.

Công tố viên được hội ý cùng tòa? ảnh 1

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định bác yêu cầu của luật sư. Theo HĐXX, lời khai của những người liên quan này đã có đầy đủ trong hồ sơ, sự có mặt của họ cũng không cần thiết nên phiên tòa vẫn tiếp tục.

Tuy nhiên, luật sư vẫn cương quyết bảo lưu quan điểm nên sau đó HĐXX đã hoãn phiên xử.

Cần hướng dẫn thống nhất

Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng việc hội ý là giải quyết một vấn đề diễn ra trong quá trình xét xử vụ án thuộc quyền của HĐXX. Cụ thể, Điều 222 BLTTHS quy định, chỉ có thẩm phán và hội thẩm mới có quyền nghị án. HĐXX giải quyết các vấn đề của vụ án thông qua cách biểu quyết từng vấn đề một. Việc hội ý trong phòng nghị án không thể có sự tham gia của công tố viên. Nếu có là không đúng luật.

Đồng tình, một thẩm phán ở TAND tỉnh Quảng Bình chuyên xét xử án hình sự cho biết việc hội ý thực chất cũng là một hình thức nghị án theo quy định của BLTTHS. Vì thế khi HĐXX bước vào phòng nghị án thì dù hội ý hay nghị án, công tố viên cũng không thể tham gia.

Nhiều luật sư cũng nhất trí: để cho kiểm sát viên hội ý cùng HĐXX là thể hiện sự bất bình đẳng. Bởi tại phiên tòa, công tố viên là phía buộc tội, luật sư có vai trò gỡ tội; cho công tố viên được vào hội ý, còn luật sư phải đứng ngoài là không thể chấp nhận được…

Ngược lại, nhiều kiểm sát viên không đồng tình với quan điểm trên. Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn, Viện Phúc thẩm 3, nhận xét tố tụng không quy định về vấn đề hội ý là HĐXX hội ý với nhau hay HĐXX có thể hội ý với công tố viên. Trên thực tế khi xét xử xảy ra nhiều vấn đề cần hội ý. Chẳng hạn như khi bắt đầu thẩm vấn mới phát hiện bản kết luận giám định pháp y không rõ. Như vậy có cần thiết triệu tập giám định viên đến phiên tòa để làm rõ? Việc công tố viên cùng HĐXX hội ý về vấn đề như trên chỉ nhằm làm sáng tỏ vụ án, giúp cho việc giải quyết vụ án tốt hơn, suôn sẻ hơn và không trái luật. Không nên hiểu một cách máy móc hội ý chính là nghị án.

Rõ ràng việc công tố viên có được hội ý cùng HĐXX hay không đang có nhiều cách hiểu chưa thống nhất. Thiết nghĩ vấn đề này cần phải được hướng dẫn để tránh sự tùy tiện.

Tòa, viện tranh cãi

Trong một vụ xử lưu động mới đây của TAND một quận tại TP.HCM, một thẩm phán kiên quyết không cho công tố viên vào phòng nghị án để hội ý cùng HĐXX.

Theo thẩm phán này, phòng nghị án là nơi họp bàn, hội ý và ra quyết định cuối cùng về vụ án. HĐXX làm việc độc lập nên việc có mặt của công tố viên trong phòng nghị án là không đúng luật.

Ngược lại, công tố viên cho rằng hội ý hoàn toàn khác với nghị án. Chỉ khi nghị án, HĐXX làm việc độc lập, còn khi hội ý thì ý kiến của công tố viên với vai trò giữ quyền công tố và giám sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX là quan trọng. Vì thế, thẩm phán không cho công tố viên vào cùng hội ý là sai.

Giải quyết tại phiên tòa

Những ý kiến của công tố viên về một vấn đề nào đó của vụ án phải được phát biểu chính thức tại phiên tòa. HĐXX căn cứ vào đó cùng những ý kiến người tham gia tố tụng khác để vào phòng nghị án hội ý giải quyết và đưa ra quyết định. Theo đúng nguyên tắc tố tụng, công tố viên không thể vào phòng nghị án cùng HĐXX dù là chỉ để hội ý.

Thẩm phán VŨ PHI LONG,
Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM

Chỉ sai khi cùng nghị án

Việc tham gia có ý kiến trong phần hội ý cùng HĐXX của công tố viên chỉ góp phần làm cho vấn đề mới phát sinh của vụ án được thống nhất cao và mang tính toàn diện hơn. Không nên nhất định cứ phải gò bó rằng công tố viên vào phòng nghị án là sai tố tụng. Chỉ sai trong trường hợp công tố viên cùng tham gia với HĐXX nghị án để ra bản án.

Kiểm sát viên cao cấp NGUYỄN THANH SƠN,
Viện Phúc thẩm 3

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm