Công tác cán bộ: Chú trọng năng lực hơn bằng cấp

Sáng 30-12, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm năm và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành nội vụ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay thành công nổi bật của ngành trong nhiệm kỳ này là hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đồng thời hoàn thành vượt mục tiêu Bộ Chính trị giao về tinh giản biên chế.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Sử dụng “quyền lực mềm” gây khó cho doanh nghiệp và người dân

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao kết quả và thành tích toàn ngành nội vụ đạt được trong năm năm qua. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị ngành cần khắc phục các tồn tại, hạn chế như một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu chưa kiên quyết trong thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp tổ chức, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên…

Theo Phó Thủ tướng, tổ chức bộ máy tuy đã được sắp xếp, kiện toàn nhưng vẫn còn cồng kềnh. Một số nhiệm vụ của các bộ, cơ quan phân định chưa rõ, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới, xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.

Việc quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm chưa được triển khai đồng bộ. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

“Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao” - ông Bình nói và nhấn mạnh còn tình trạng tham nhũng vặt, sử dụng “quyền lực mềm” gây khó dễ cho doanh nghiệp và người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.

Phải làm sao cán bộ làm sai là thấy lương tâm cắn rứt

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng thường trực lưu ý Bộ Nội vụ tập trung xây dựng, hoàn thiện đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, ông Bình lưu ý việc rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót nhiệm vụ.

Bộ cần chủ động trong việc phối hợp, tổ chức thẩm định trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành nghị định, quyết định về tổ chức của các cơ quan để triển khai đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ mới. “Bộ máy tổ chức Chính phủ phải nghiên cứu có cải cách phù hợp, làm sao vừa tinh gọn, vừa hiệu lực, hiệu quả, đồng thời không bỏ sót nhiệm vụ” - Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, theo ông Bình, quan trọng hơn là việc tổ chức lại các đơn vị bên trong bộ, ngành, địa phương. Bộ máy bên trong phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, làm sao đừng chồng chéo, quan hệ phối hợp một cách nhuần nhuyễn, nhanh chóng.

“Không nên để bộ máy bên trong quá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, có khi một việc phối hợp giữa các bộ, ngành với nhau còn nhanh hơn là trong nội bộ, cứ vòng qua cục này, vụ nọ, vụ kia, lòng vòng mỗi nơi 5-7 ngày, thậm chí ngâm cả tháng, thậm chí sáu tháng trời…” - ông Bình nói.

Phó Thủ tướng sau đó đề nghị cần có chế tài, không thể để tình trạng lòng vòng kéo dài như trên nhưng không kiểm điểm, không xử lý, không kỷ luật ai cả. “Nếu không đề xuất cơ chế để kỷ luật sẽ “trên nói, dưới không nghe”” - Phó Thủ tướng nói và đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp cần tham mưu cơ chế để xử lý hiệu quả các trường hợp chậm trễ xử lý các nhiệm vụ của bộ máy công vụ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ, đảm bảo đồng bộ giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; thay đổi nhận thức trong đánh giá, sử dụng cán bộ, chú trọng đến phẩm chất, năng lực thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp, chứng chỉ.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Tham mưu thực hiện chế độ tiền lương mới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xây dựng văn hóa công vụ…

“Cán bộ phải trong sạch, liêm khiết, lấy dân làm gốc, có ý thức phục vụ nhân dân… Phải làm sao cán bộ làm sai là thấy lương tâm cắn rứt” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

TP.HCM: Tổ chức chính quyền đô thị gắn với phân cấp, phân quyền

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có bài tham luận về kết quả xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM nhằm thực hiện Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo ông Hoan, đề án này được TP ấp ủ từ năm 2007 và điều chỉnh, bổ sung vào năm 2013. Tuy nhiên, thời điểm đó, các cơ sở pháp lý xây dựng đề án vẫn chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai thực hiện.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành là căn cứ pháp lý cực kỳ quan trọng, TP xác định đây chính là thời điểm chín muồi để hoàn thiện đề án trình Chính phủ, Quốc hội.

Ông Hoan cho biết TP luôn quán triệt bốn quan điểm chủ đạo khi xây dựng đề án. Cụ thể, việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM phải bám sát chủ trương của Đảng, phù hợp với hiến pháp và các quy định của pháp luật; đồng thời phải bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM phải gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền TP.HCM; đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của TP. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm