GS kinh tế TRẦN VĂN THỌ, ĐH Waseda, Nhật Bản:

Công nghiệp Việt Nam chưa giàu đã già

Ví dụ tại Hàn Quốc, Nhật Bản, khi thu nhập bình quân đầu người 30.000 USD/năm thì tỉ lệ công nghiệp/GDP mới bắt đầu giảm. Trong khi Việt Nam thu nhập mới 3.000 USD đã chuyển sang hậu công nghiệp.

Việt Nam cần tận dụng quốc gia có 100 triệu dân là sức mạnh lớn để đẩy mạnh công nghiệp hóa cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cụ thể, cần tập trung đào tạo nhân lực công nghệ cao, thích ứng thay đổi công nghệ. Nhưng đừng chú trọng bậc học, bằng cấp. Đổ xô vào đại học là không nên. Lao động chất lượng cao chỉ cần học cao đẳng hai năm, một năm học văn hóa, một năm chuyên môn là có thể đi làm được. 80% người giàu nhất Nhật Bản là làm công nghiệp, còn hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện nay chỉ làm bất động sản thì không thể công nghiệp hóa thành công được. Vì vậy Chính phủ nên đối thoại với các tập đoàn lớn để biết cần có chính sách gì khuyến khích họ mở rộng sang sản xuất công nghiệp và nâng cao diện sản xuất.

TS VŨ THÀNH TỰ ANH, Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM:

Cách mạng công nghiệp Việt Nam dừng ở mức cung cấp vỏ hộp, bao bì

Trong khi thế giới đã tiến tới ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4 thì công nghiệp Việt Nam đang “mắc kẹt” ở giai đoạn cách mạng lần thứ hai, nghĩa là vẫn ở công đoạn cơ giới hóa, lắp ráp. Những sản phẩm của Intel hay Samsung được xếp vào nhóm công nghệ cao nhưng doanh nghiệp nội chưa đóng góp gì trong nhóm này khi mới chỉ tham gia 3%, dừng ở mức cung cấp vỏ hộp, bao bì.

Nếu theo đuổi cách tiếp cận lựa chọn ngành công nghiệp mục tiêu như hiện nay thì phải được thực hiện một cách thật bài bản, kỹ lưỡng và thận trọng; phải dựa trên các nguyên tắc: Thuận theo lợi thế so sánh của Việt Nam; ngành ưu tiên phải tạo ra tác động lan tỏa trong nền kinh tế; là ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường nội địa hoặc thế giới...

(Theo Người Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm