Công an gặp khó khi xử lý người vi phạm hành chính nhiều lần

Chiều 5-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM do bà Văn Thi Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND quận Thủ Đức về tình hình thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn quận.

Tại buổi khảo sát, Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng Công an quận Thủ Đức nêu vấn đề về quy định thời gian tạm giữ hành chính người vi phạm không quá 24 giờ.

Toàn cảnh cuộc họp. ẢNH: THANH TUYỀN.

Theo ông Thanh, hiện có nhiều đối tượng có dấu hiệu tàng trữ trái phép chất ma tuý, không chịu khai báo lai lịch nên việc tạm giữ trong 24 giờ gây khó cho lực lượng công an, không thể đảm bảo được việc xác minh lý lịch, củng cố hồ sơ liên quan đến giám định. Luật hiện nay cũng không quy định rõ trách nhiệm của cơ quan giám định, người giám định.

Từ đó, Trung tá Thanh đề xuất kéo dài thời gian tạm giữ đến 72 giờ và phải quy định trách nhiệm của cơ quan giám định, người giám định.

Trung tá Thanh cũng chỉ ra điểm bất cập trong Luật xử lý vi phạm hành chính với Bộ luật hình sự.

“Đối với các tội trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu đối tượng vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, tại điều 90, 92, 94 của Luật xử lý vi phạm hành chính lại quy định những đối tượng trên nếu bị xử phạt vi phạm hành chính 2 lần trong 6 tháng, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Như vậy, Luật xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật hình sự chưa có sự thống nhất, đồng bộ”, ông nêu rõ.

Trung tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Trưởng Công an quận Thủ Đức. ẢNH: THANH TUYỀN.

Một thực tế khác được Trung tá Thanh đưa ra là việc kiểm tra xử lý vi phạm gặp khó khăn do người dân không hợp tác, không mở cửa thì lực lượng công an không làm gì được, chỉ còn cách đứng chờ rồi sau đó đi về.

Đến ngày hôm sau, công an có thể mời họ lên xử phạt theo Nghị định 167 do không chấp hành kiểm tra hành chính, kiểm tra nhân khẩu, lưu trú. Nhưng điều đáng nói ở đây là tính nghiêm minh của pháp luật không còn vì người dân không chấp hành thì người thi hành cũng đành “bó tay” mà không làm gì được. 

Thêm một khó khăn nữa được Phó trưởng Công an quận Thủ Đức đề cập là áp lực về kho bãi tạm giữ tang vật vi phạm, nhất là trong lĩnh vực giao thông. Ông cho biết, nhiều người vi phạm hiện nay chấp nhận bỏ phương tiện, bỏ giấy tờ chứ không đến làm thủ tục nhận lại phương tiện gây khó khăn trong việc xác minh phương tiện cho cơ quan chức năng.

Trung tá Thanh cũng góp ý về mức xử phạt hành chính hiện nay không đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Hiện nay, quy định về việc không chấp hành hiệu lệnh khi lực lượng chức năng kiểm tra hành chính chỉ bị phạt từ 100-300 nghìn đồng. Theo ông, mức xử phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm