Cổng 1022: Để mỗi người dân là một 'cảm biến' chống dịch

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TP.HCM đã mở Cổng 1022 tiếp nhận 24/24 giờ các thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Việc này giúp giảm tải hệ thống tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh của các quận, huyện trên địa bàn TP.

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lê Quốc Cường kêu gọi người dân cài đặt ứng dụng “Tổng đài 1022” để mỗi người dân là một “cảm biến” xã hội hiệu quả, cùng chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch

. Phóng viên: Thưa ông, được biết từ ngày 28-5, Cổng thông tin 1022 của TP.HCM đã “bật chế độ” tiếp nhận, xử lý các vi phạm về phòng chống dịch COVID-19. Sở TT&TT TP đã triển khai việc này như thế nào?

+ Ông Lê Quốc Cường: Sở TT&TT TP.HCM đã xây dựng và đề xuất UBND TP.HCM quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh vi phạm về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP thông qua Cổng thông tin 1022. Sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận, sở đã ban hành quy trình hướng dẫn thực hiện với công đoạn ngắn nhất, thời gian nhanh nhất có thể.

Cụ thể, sau khi người dân gửi thông tin, kèm hình ảnh, đoạn phim (nếu có) cho Cổng 1022 qua các ứng dụng trên điện thoại, máy tính… thì hệ thống sẽ tiếp nhận, phân loại thông tin trong vòng 5 phút rồi chuyển cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xử lý. Các đơn vị tiếp nhận thông tin sẽ kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh và cập nhật kết quả xử lý lên Cổng 1022 trong thời gian tối đa 60 phút kể từ khi tiếp nhận.

Ngoài ra, người dân phản ánh cũng sẽ nhận được kết quả xử lý trên các ứng dụng mà họ đã dùng để gửi phản ánh.

. Ông đánh giá gì về ý nghĩa của việc khuyến khích người dân gửi phản ánh qua Cổng 1022 trong công tác phòng chống dịch của TP.HCM?

+ Hiện TP.HCM đang căng mình chống dịch COVID-19 với tinh thần mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Với tinh thần đó, người dân nên dùng ứng dụng 1022 để gửi phản ánh cho TP về các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch.

Chúng tôi mong muốn người dân cài đặt ứng dụng “Tổng đài 1022” trên điện thoại để mỗi người dân trở thành một “cảm biến” xã hội, cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19. Bởi dù có 1 triệu camera giám sát cũng không phát huy hiệu quả bằng 1 triệu người dân dùng thiết bị thông minh để gửi phản ánh.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể gửi phản ánh lên Cổng 1022 bằng cách gọi điện thoại đến Tổng đài 1022, website: 1022.tphcm.gov.vn, thư điện tử: 1022@tphcm.gov.vn, trang Facebook của Cổng 1022.

TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân TP. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhận được khoảng 10.300 phản ánh từ người dân

. Hiệu quả bước đầu của việc tiếp nhận phản ánh qua Cổng 1022 ra sao, thưa ông?

+ Từ ngày 28-5 đến 30-6, Cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận khoảng 10.300 tin phản ánh, điều này cho thấy người dân đã có sự quan tâm và tin tưởng vào hệ thống này.

Theo đó, các phản ánh chủ yếu liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán không phù hợp với Chỉ thị 15 của Thủ tướng hay Chỉ thị 10 của TP; phản ánh tình trạng tụ tập đông người, ăn nhậu, hát karaoke; các trường hợp tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm nhưng không khai báo y tế… Ngoài ra, Cổng 1022 còn ghi nhận các hiến kế, đề xuất của người dân cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.

Hầu hết các phản ánh của người dân gửi đến đều được các quận, huyện liên quan xử lý khá nhanh chóng. Chẳng hạn, sáng 1-7, có người dân phản ánh chợ tự phát vẫn hoạt động tại khu chợ thuộc quận Gò Vấp, có người không đeo khẩu trang gây mất an toàn phòng dịch…

Phản ánh được tiếp nhận lúc 8 giờ 10 phút và đến 9 giờ cùng ngày, UBND phường đã hoàn thành việc cử lực lượng xuống kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền người dân không tụ tập mua bán, đảm bảo các nguyên tắc 5K, chấp hành theo Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP.

Người dân có thể scan mã QR để cài đặt ứng dụng 1022 trên điện thoại. Ảnh: Sở TT&TT

. TP.HCM đã xử phạt được bao nhiêu vụ vi phạm thông qua các phản ánh trên Cổng 1022?

+ Nhờ những hình ảnh, thông tin chính xác do người dân cung cấp mà rất nhiều phản ánh về vi phạm phòng chống dịch qua Cổng 1022 đã được các địa phương xử lý.

Chẳng hạn, ngay ngày đầu khởi động hệ thống (28-5), chúng tôi nhận được phản ánh việc một quán cà phê tại TP Thủ Đức tụ tập đông người, không thực hiện giãn cách phòng chống dịch. UBND phường đã kiểm tra, lập biên bản, đề xuất UBND TP Thủ Đức ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng, tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh.

Hay phản ánh việc tập trung đông người ở chợ tự phát tại quận Bình Tân, chính quyền địa phương đã kịp thời kiểm tra và xử phạt các lỗi về trật tự đô thị, không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách với tổng mức phạt gần 50 triệu đồng…

Ngoài ra, thông qua Cổng 1022, cơ quan chức năng đã xác minh, làm rõ một tài khoản rao bán vaccine trên mạng xã hội Zalo, Facebook và yêu cầu người vi phạm xóa bài, cam kết không tái phạm…

Cổng 1022 tiếp nhận bốn nhóm vi phạm về phòng chống dịch

Hiện Cổng 1022 đang tiếp nhận thông tin về bốn nhóm vi phạm phòng chống dịch COVID-19, gồm: Vi phạm trong hoạt động kinh doanh, mua bán của các quán cà phê, nhà hàng, quán ăn, công ty, doanh nghiệp; tình trạng không giữ khoảng cách, tụ tập đông người tại nơi công cộng, không đeo khẩu trang.

Các vấn đề an ninh trật tự như tụ tập ăn uống, tiệc tùng, karaoke...; các thông tin về trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm.

Ngoài ra, người dân cũng có thể gửi những “kế sách” hay cho lãnh đạo TP.HCM về các quy định trong công tác phòng chống dịch của TP. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm