“Con tàn nhưng không phế…”

Cái lưng gù, bàn tay bốn ngón co quắp đan vào nhau, Nguyễn Văn Thời (sinh năm 1992) lọt thỏm trước vành móng ngựa TAND TP Đà Nẵng. Khi được tòa hỏi, Thời chỉ nói lí nhí, ngắt quãng: “Cháu muốn… tòa giảm nhẹ cho cháu về bán vé số… nuôi em cháu học đại học”. Nói rồi, tay nó lại đan vào nhau xoắn xuýt.

“Tay nó tật, lưng nó gù nhưng nó nói con tàn nhưng không phế đâu mẹ” - mẹ của Thời nói trong khi những giọt nước mắt cứ thi nhau rơi trên gương mặt khắc khổ.

1. Thời là con thứ ba trong gia đình có năm anh chị em. Thời bị tật bẩm sinh, học hết lớp 2 thì nghỉ học. 12 tuổi, Thời vào Sài Gòn bán vé số để phụ ba mẹ nuôi các em với ước muốn nuôi em vào đại học. “Ngày sinh nó ra, tay nó chỉ có bốn ngón, các ngón tay cứ co quắp lại, lưng thì có một cái ụ to. Thêm tuổi cái ụ thêm lớn còn người thì mãi chẳng tăng cân. Nhìn mà chảy nước mắt” - mẹ Thời kể. Những dồn nén trong lòng người mẹ về đứa con khuyết tật thiệt thòi đủ bề cứ thế như được trút gánh tâm sự.

“Khi biết nói, nó cứ hỏi tại sao lưng con nặng thế. Bạn bè gọi nó là Thời “gù”, Thời “bốn ngón”. Về, nó hỏi tại sao. Nó ra lấy chậu nước soi lưng mình. Nó không dám đi học cùng đám bạn quanh xóm vì sợ chế giễu. Thấy vậy, gia đình xin cho nó vào học trường tình thương. Nhưng cái nghèo bủa vây, con cái đông, vài đồng tiền kiếm sống từ bãi rác Khánh Sơn (TP Đà Nẵng) của mẹ và tiền đẽo đá của ba không đủ cho các con được cơm no, áo ấm thì lấy đâu học hành.

Học hết lớp 2 Thời phải nghỉ học ở nhà để phụ mẹ kiếm tiền. 12 tuổi, Thời xin mẹ cho vào Sài Gòn bán vé số nuôi các em ăn học. Ngày nó đi, tôi không đồng ý, nói con ở nhà có no cùng no, đói cùng đói. Nhưng nó không chịu mà nói nhất quyết phải đi để nuôi em vào đại học…”.

Khi tôi hỏi về quyết định vào Sài Gòn kiếm sống, Thời trả lời cụt lủn: “Em tật nguyền không làm ông to được thì gắng kiếm tiền nuôi các em thành tài, mai mốt ba mẹ mới được bớt khổ”.


Dáng Thời lọt thỏm trước vành móng ngựa. Ảnh: DƯƠNG HẰNG 

Bà mẹ nghèo kể tiếp: “Sợ con vào Sài Gòn cực khổ, đất khách quê người, lại thêm tật nguyền nên cả nhà tìm cách khuyên can. Nhưng Thời đã quyết thì không ai cản nổi. Nó bảo con tàn nhưng không phế, nếu mẹ cấm con đi làm ăn là mẹ đang bắt con trở thành người tàn phế. Rồi gia đình cũng nuốt nước mắt cho Thời vào Sài Gòn.

Cực khổ bao nhiêu nó cũng chịu, chắt chiu từng đồng, áo quần nó cũ nhưng không chịu mua sắm cho bản thân. Năm ngoái em nó thi hai trường đại học và cuối cùng chọn học ĐH Luật TP.HCM. Nuôi em giữa đất Sài Gòn, vậy mà hằng tháng nó còn gửi về cho ba mẹ lúc 500.000 đồng, khi 1 triệu đồng, bảo “để mua thịt bò cho các em ở nhà ăn tẩm bổ”.

28 tết vừa rồi nó về quê, thấy mẹ đi lượm rác ở bãi rác nó cũng cõng bao đi theo làm đến tận chiều 30 tết. Rồi tối mùng 1 tết, nó mượn chiếc xe của một người quen để đi chơi cùng đám bạn. Không ngờ cơ sự xảy ra…

2. Rạng sáng mùng 1-2-2014 (tức mùng 2 tết Giáp Ngọ), sau khi đi chơi cùng đám bạn và có uống bia, Thời điều khiển xe máy và tông vào một người đi đường khiến họ bị thương tật 45%.

Thời bị khởi tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Sau đó TAND quận Thanh Khê xử phạt Thời một năm tù với hai tình tiết tăng nặng là không giấy phép lái xe và lái xe trong tình trạng có uống bia rượu. Thời kháng cáo xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Thời rụt rè, đứng lọt thỏm trong vành móng ngựa. “Con xin tòa cho con được hưởng án treo” - Thời nói. Tòa hỏi có thêm tình tiết giảm nhẹ nào khác để hưởng án treo. Thời chỉ nói ngắt quãng: “Để con về nuôi em”.

Người mẹ ngồi bên dưới mắt đỏ hoe, đăm đăm nhìn đứa con chưa đầy 40 kg. Níu chặt chiếc ghế, bà tâm sự: “Biết thế hôm ấy tôi không gào kêu nó đi chơi nữa. Nó nói tết được nghỉ vài ngày con ở nhà với ba mẹ. Thương con, tôi bảo con làm cả năm, nghỉ vài ngày tết thì đi chơi với bạn bè quanh xóm cho đỡ buồn. Rồi nó đi chơi, ai ngờ đâu xui rủi ập đến, cho cả nó và cả người bị hại...”.

Cuối cùng, HĐXX TAND TP Đà Nẵng nhận định dù bị khuyết tật và thành khẩn khai báo nhưng bị cáo Thời phạm vào hai khoản định khung tăng nặng của khung hình phạt. Mức án cấp sơ thẩm tuyên là thấp dưới khung hình phạt nên không thể cho hưởng án treo. Từ đó tòa bác đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm một năm tù.

Tòa tuyên án xong, người mẹ lại khóc. “Nó đi tù một năm rồi sẽ nhanh ra. Nhưng nó thiệt thòi đủ bề rồi, lúc nào nó cũng sống co mình lại vì sợ mọi người chế giễu. Nay lại đi tù, rồi nó sẽ ra sao đây…”.

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm