Còn lẩn khuất giấy phép con trong văn bản dưới luật

Công tác cán bộ - vấn đề cốt lõi - cùng với việc rườm rà, phức tạp của thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... tiếp tục được đại biểu (ĐB) Quốc hội đưa ra chất vấn vào ngày 9-11 tại kỳ họp.

“Xin cho biết căn cứ để nói tham nhũng được kiềm chế”

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đã đặt hai câu hỏi cho Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái: “Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng này xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực nào, ai phải chịu trách nhiệm... Tổng thanh tra Chính phủ có trách nhiệm gì và có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng nêu trên?”.

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục kinh doanh tại Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM. Ảnh: HTD

ĐB Hà tiếp câu hỏi thứ hai: “Cử tri rất vui mừng khi nghe Chính phủ báo cáo tình hình tham nhũng ở nước ta thời gian qua đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Xin Tổng thanh tra Chính phủ cho biết căn cứ vào đâu để có được kết luận như nêu trên?”.

Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái dẫn ra việc Đảng, Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã quyết liệt, thường xuyên đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và cho rằng: “Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, góp phần ổn định chính trị, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân và được quốc tế đánh giá rất cao”.

Ông tiếp: “Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân là một vấn đề hết sức quan trọng và được Đảng cũng như nhân dân rất quan tâm”.

 

2 tỉ USD từ trung ương và bốn nguồn lực cho ĐBSCL

Tại phiên chất vấn, trả lời về nguồn lực phát triển ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực này 2 tỉ USD trong giai đoạn tới và cho hay có bốn nguồn lực để phát triển khu vực này.

Nguồn lực thứ nhất: Bộ GTVT sẽ tính toán và thống nhất lo những tuyến đường quốc lộ, đặc biệt là đường cao tốc từ Cà Mau đến Bạc Liêu và từ Bạc Liêu đến Cần Thơ. Chúng tôi đã thống nhất với Bộ GTVT sẽ hoàn thành từ nay đến năm 2025.

Nguồn lực thứ hai: Địa phương phải lấy từ nguồn được hỗ trợ của trung ương cộng với ngân sách của địa phương để thực hiện các dự án hạ tầng.

Nguồn lực thứ ba là nguồn lực của trung ương. Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho ĐBSCL 2 tỉ USD trong giai đoạn tới. Riêng từ năm 2021 đến 2025, chúng tôi xây dựng một dự án hỗ trợ của các nhà tài trợ thông qua ngân sách, khoảng 1,05 tỉ USD, để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho ĐBSCL, một số hồ như ở tỉnh An Giang và một số tuyến giao thông quan trọng đối với một số tỉnh không có đường ven biển. Nguồn từ trung ương hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng. Chúng tôi đã thống nhất với các địa phương rồi và sẽ thông qua hội đồng vùng sắp tới để trình Chính phủ. Mỗi địa phương theo đó sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng để có điều kiện phát triển trong thời gian tới.

Cuối cùng là một nguồn lực phải huy động là từ hợp tác đối tác công - tư, tức là huy động vốn từ xã hội. Chúng ta cũng tập trung nhiều nguồn lực để có thể thực hiện được hạ tầng cho ĐBSCL có điều kiện phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Ông không trả lời trực tiếp “nhũng nhiễu ở lĩnh vực nào” mà dẫn Chỉ thị số 10 của Thủ tướng và cho rằng chỉ thị đó đã nêu rất rõ. “Có thể nói những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, những lĩnh vực cán bộ, công chức thiếu rèn luyện thì dễ xảy ra tham nhũng, ví dụ như những khu vực phục vụ dịch vụ công cho người dân” - ông nói.

Ông cho biết đã đề xuất, tham mưu và Thủ tướng có chỉ thị về giảm và chống gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc và Công điện số 724 ngày 17-6-2019 về phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động công vụ. “Hai văn bản này có ý nghĩa rất lớn trong chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức thực hiện công vụ khi giải quyết công việc cho người dân” - ông Khái cho hay.

Cắt giảm thủ tục phiền hà

Dù không nêu cụ thể về mối liên hệ giữa thủ tục hành chính, quy định pháp luật với tham nhũng nhưng phần trả lời của hai bộ trưởng Tư pháp và chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hàm ý rằng: Muốn người dân, doanh nghiệp bớt bị nhũng nhiễu, phiền hà và chống tham nhũng thì phải cải cách pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi trả lời chất vấn về rào cản đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính “lẫn” trong các văn bản pháp luật đã giải thích:

Các thủ tục về hành chính và các điều kiện kinh doanh được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật đều có nguyên tắc. Ví dụ, chúng ta đang cố gắng thực hiện nguyên tắc đối với những lĩnh vực liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người dân, doanh nghiệp thì phải quy định trong luật. Các điều kiện kinh doanh và các thủ tục có liên quan thì tầm văn bản quy phạm pháp luật thấp nhất là nghị định của Chính phủ.

“Việc bỏ sót các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là thủ tục trong một số văn bản quy phạm pháp luật là một thực tế chúng ta vẫn phải tiếp tục để giải quyết”. Cuối cùng, Bộ trưởng Long nói về việc các điều kiện kinh doanh lẩn khuất trong các thông tư rằng: “Chúng ta vẫn phải sống với tình trạng thực tế này, cố gắng làm sao để hạn chế”.

Đồng tình với Bộ trưởng Long, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng thì việc quyết liệt cắt giảm các thủ tục hành chính là một bước đi rất đúng và rất thực chất.

“Chúng ta đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục hành chính và đã cắt bỏ 30/120 bộ thủ tục hành chính, đang xử lý tiếp 1.501 sự chồng chéo của các bộ, các ngành hàng” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

“Có những trường hợp cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác, cắt điều kiện kinh doanh này lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ đó vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân” - ông tiếp.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Dũng nêu các giải pháp như: Phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo và nâng cao chất lượng của cơ quan thẩm tra; phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa trong việc để các doanh nghiệp giám sát, người dân giám sát và thực hiện quy trình.

“Quan trọng là phải thực hiện được quy trình về thủ tục hành chính, làm sao thực sự cắt giảm những gì chi phí cho doanh nghiệp” - Bộ trưởng Dũng nói.•

 

Cán bộ gây khó, cung cấp thông tin cho bộ trưởng

Đến giờ này, mọi giao dịch đối với khách hàng bên ngoài, chúng tôi thực hiện các mô hình một cửa của Bộ Nội vụ. Tất cả vị ĐB nếu phát hiện cán bộ, công chức của ngành nội vụ vi phạm đạo đức công vụ hoặc là gây khó khăn trong thực hiện công vụ đối với các bộ, ngành, địa phương, tôi đề nghị các ĐB cung cấp thông tin cho bộ trưởng. Chúng tôi sẽ cương quyết và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN

Đề xuất xử hình sự cán bộ dùng bằng giả

Hiện tình trạng các đối tượng giả mạo các trang web rồi quảng bá các dịch vụ làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả với nhiều mức giá diễn ra một cách công khai trên hệ thống mạng Internet. Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm làm, sản xuất, những đường dây làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả, thậm chí có những tổ chức quy mô rất lớn.

Những người này làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo và để phục vụ cho tuyển dụng cán bộ, đánh giá cán bộ, năng lực cán bộ.

... Trước đây, với một số người mà sử dụng giấy tờ giả hầu như nặng nhiều về xử lý hành chính, ít khi xử lý về hình sự. Tuy nhiên, chúng tôi thấy đã đến mức phải xử lý hình sự.

Bộ trưởng Bộ Công an TÔ LÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm