Con được nâng điểm, ông Triệu Tài Vinh sẽ phải kiểm thảo

"Đồng chí Triệu Tài Vinh là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý. Liên quan đến việc con đồng chí được nâng điểm, khi nhận được báo cáo đầy đủ của Hà Giang, chúng tôi sẽ xem xét tổ chức kiểm điểm” - một nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết như thế chiều 2-10.

Nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương này khớp với Thông báo 307 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang phát đi ngày 1-10. Theo đó, trong 149 cán bộ, đảng viên cần kiểm tra, xem xét xử lý do có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, có 12 trường hợp là đảng viên không thuộc Đảng bộ tỉnh, sẽ báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý.

Chia sẻ với PLO, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang Lê Quang Minh cho biết 12 trường hợp trên có cả đảng viên thuộc quản lý của tổ chức Đảng ở trung ương, có cả đảng viên của tỉnh Tuyên Quang nhưng có con tham gia thi tại Hà Giang.

Ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Hiện ông Vinh đang là phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

Liên quan đến ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, có con được nâng điểm khi ông Vinh còn là bí thư Hà Giang, ông Lê Quang Minh từ chối bình luận vì “đây là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý”. Còn bản thân ông Vinh cách đây một tuần cho biết ông "chấp nhận và vượt qua khó khăn, thách thức", bao gồm trách nhiệm trong việc con gái được nâng điểm.

Theo danh sách đảng viên bị kiểm điểm, kỷ luật được công bố thì em ông Vinh là bà Triệu Thị Giang (Phó phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang) bị kỷ luật khiển trách vì “nhờ người khác tác động, cháu ruột được nâng điểm thi, vi phạm những điều đảng viên không được làm”. Còn vợ ông Vinh, bà Phạm Thị Hà, chịu trách nhiệm liên đới do để “em chồng tác động cho con được nâng điểm thi”.

Bà Hà thuộc 29 trường hợp chưa đến mức áp dụng hình thức kỷ luật mà chỉ yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Ông Lê Quang Minh cho biết việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm lần này dựa vào nhiều quy định của Đảng, trong đó có Quy định 08 của trung ương ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương.

Điểm 8 Điều 3 quy định này yêu cầu đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống việc “để vợ (chồng), cha, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi…”.

Đối chiếu vào các quy định này, có một số trường hợp thí sinh được nâng điểm mà cả cha, mẹ cùng là đảng viên, cùng bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn Tiến, đảng viên đã nghỉ hưu, bị khiển trách vì “có tác động, con được nâng điểm thi, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm”. Vợ ông Tiến là bà Nguyễn Thị Lan Lanh, Chánh án TAND tỉnh Hà Giang, bị bắt lỗi “để chồng tác động người khác giúp nâng điểm thi cho con” nhưng đánh giá là chưa đến mức áp dụng kỷ luật, chỉ cần kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Đến nay, các tổ chức đảng Hà Giang đã lập 36 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với 149 cán bộ, đảng viên liên quan đến vụ gian lận điểm thi.

Kết quả xử lý: Ba trường hợp khai trừ; một cảnh cáo; 42 khiển trách; 29 có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật, phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; một không có khuyết điểm, vi phạm.

Số còn lại: 57 trường hợp đang tiếp tục kiểm tra, xem xét xử lý, sẽ tiếp tục thông báo công khai; bốn trường hợp tạm dừng kiểm tra, xử lý do mắc bệnh hiểm nghèo hoặc chờ kết quả xét xử của tòa; 12 trường hợp không thuộc Đảng bộ Hà Giang, sẽ chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý.

Trong số đảng viên đã bị Hà Giang kỷ luật có một trường hợp là ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, nhận án cảnh cáo nhưng vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét lại, đề xuất hình thức nặng hơn là cách chức, tương tự như hai người đồng cấp ở Sơn La, Hòa Bình. Hình thức kỷ luật đảng này thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Bí thư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm