Cơ hội để kinh tế ít phụ thuộc vào TQ

Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội tuần qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng những khó khăn hiện nay vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam củng cố nội lực, thoát khỏi sự lệ thuộc từ Trung Quốc, nhất là về mặt kinh tế… Trò chuyện với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, khẳng định Việt Nam phải điều chỉnh chính sách và nhận thức. Cùng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới, Nhà nước cần dựa vào dân nhiều hơn để phát triển.

Việt Nam có quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế

. Phóng viên: Là một chuyên gia kinh tế, ông có nhận xét gì về ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội nói về thách thức và cơ hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay?

+ TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp: Với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã bộc lộ rõ thái độ bá quyền đối với Việt Nam, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hoàn toàn đi ngược với phương châm quan hệ 16 chữ và bốn tốt. Hành vi này đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định ở biển Đông và Đông Nam Á. Qua đó, Trung Quốc đã tự bộc lộ tham vọng của họ, đã có những lời nói trái ngược với việc làm để mọi người không còn ảo tưởng gì ở họ. Song Trung Quốc có tiềm lực kinh tế lớn nên không ít nước vì lợi ích của mình sẽ có thái độ dè dặt để không làm phật lòng Trung Quốc..

. Phát triển trong tâm thế chủ động, không bị lệ thuộc là mong muốn của chúng ta. Thế nhưng giữa Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông nên muốn thoát khỏi “cái bóng” quá lớn này phải chăng không dễ dàng?

+ Đúng là kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều mặt vào kinh tế Trung Quốc như thương mại bao gồm cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, du lịch, nhiều công trình của chúng ta sử dụng vốn vay của Trung Quốc nên phải dùng nhà thầu Trung Quốc. Vì vậy, nếu Trung Quốc cấm vận có thể gây thiệt hại đáng kể cho kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn. Thế nhưng Việt Nam có quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế, việc nhập những sản phẩm của Trung Quốc có thể thay thế bằng cách nhập từ các nước khác với giá cả và điều kiện khác. Chúng ta cương quyết không đánh đổi chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ bằng lợi ích kinh tế.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn có mối quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế khác. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Nhật Bản tháng 4-2014. Ảnh: TTXVN

Về lâu dài, đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế Việt Nam ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Dĩ nhiên chúng ta luôn hướng tới mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, hai bên cùng có lợi song không thể phụ thuộc quá nhiều và một chiều vào Trung Quốc để họ có thể dùng sự phụ thuộc đó gây sức ép lên chủ quyền, độc lập của quốc gia. Vì vậy, chúng ta phải tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới, nguồn khách du lịch mới, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô để DN giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là bài toán mà các DN và các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cần phải tìm lời giải đáp.

Phải có sản phẩm khác Trung Quốc

. Nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế có mạnh, dân có giàu thì quốc phòng, an ninh mới mạnh? Vậy theo ông, cần phải làm gì để nền kinh tế của chúng ta mạnh lên?

+ Chúng ta phải đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng DN và toàn nền kinh tế. Sống bên cạnh Trung Quốc, chúng ta phải có sản phẩm khác Trung Quốc thì mới cạnh tranh được. Chúng ta phải khuyến khích các DN dân tộc phát huy dân chủ, sáng kiến, kết hợp tính năng động của người dân với lòng yêu nước được hun đúc từ ngàn năm.

. Đấy là về phía Nhà nước, còn bản thân DN cần có hành động gì, thưa ông?

+ Các DN cần chủ động tìm nguồn cung ứng nguyên, vật liệu khác để giảm sự phụ thuộc vào một nguồn cung ứng duy nhất từ Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội để phát triển công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho dệt-may, da giày, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế cũng như điều kiện về xuất xứ sản phẩm mà chúng ta đang đàm phán trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).

Các DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, tích cực chuẩn bị cho những bước hội nhập quốc tế quan trọng mới như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.

Biến họa thành phúc, biến nguy thành cơ

. Về mặt thể chế nói chung cũng như về chính sách kinh tế nói riêng, trong thời gian tới Việt Nam cần có những thay đổi gì?

+ Nhà nước phải thực hiện đổi mới tư duy, cải cách chính trị kết hợp với cải cách kinh tế, thực hiện cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, thực hiện công khai, minh bạch đối với người dân và DN, đẩy mạnh chống tham ô, lãng phí, đặc quyền đặc lợi. Chính sách kinh tế, chi tiêu ngân sách, đầu tư công phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

Bên cạnh đó phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, có chế độ sử dụng người tài, khắc phục các biểu hiện lệch lạc trong chính sách cán bộ, ưu tiên “con ông, cháu cha”, “quan hệ”, đưa những người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy. Chúng ta cũng phải sàng lọc cán bộ, áp dụng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm để có bộ máy hoạt động hiệu quả, tinh gọn, đáp ứng yêu cầu của người dân và các cam kết hội nhập quốc tế. Làm được như vậy là biến họa thành phúc, biến nguy thành cơ và nước ta sẽ mạnh lên, đoàn kết, nhất trí xây dựng đất nước.

. Xin cảm ơn ông.

THU HẰNG thực hiện

 

Phải tỉnh ngộ về tình hữu nghị bánh vẽ

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á ở Philippines về việc Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc thể hiện quan điểm và nhận thức đúng đắn đối với các hành vi sai phạm của Trung Quốc. Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này.

Bây giờ là lúc phải tỉnh ngộ với những lời hoa mỹ về tình hữu nghị bánh vẽ mà Trung Quốc đưa ra. Anh em hữu nghị gì mà xâm lược lãnh thổ, đâm tàu, đánh đập ngư dân, độc chiếm biển Đông. Từ nhận thức đúng đắn đó, chúng ta phải có những hành động cương quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích đất nước.

TS LÊ ĐĂNG DOANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm