Cơ chế mới thúc đẩy phòng chống tham nhũng sau Đại hội XIII

Chiều 5-8, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức họp báo giới thiệu về kết quả phiên họp toàn thể đầu tiên sau Đại hội XIII của Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) vừa diễn ra sáng cùng ngày.

Đây là lần đầu tiên một cuộc họp báo như vậy được tổ chức, mà theo ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, đã xin ý kiến trước với Trưởng BCĐ - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Quyết liệt ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng

Đây là phiên thứ 20 kể từ khi BCĐ được tổ chức lại với mô hình Tổng bí thư là trưởng ban, năm 2013. Tại phiên họp này, BCĐ đã đánh giá, phân tích nhiều diễn biến mới của công tác PCTN trong sáu tháng đầu của năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII. Trong đó, đáng chú ý là công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã được triển khai quyết liệt hơn, đúng tinh thần Chỉ thị 04 của Ban bí thư.

Theo đó, con số thống kê không chỉ là 1.995 tỉ đồng đã thu hồi được, mà còn là 14.413 tỉ đồng các cơ quan tố tụng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài sản, ngăn chặn giao dịch. Đây là nét rất mới so với trước đây, khi việc thu hồi tài sản tham nhũng thường chỉ tập trung vào bản án có hiệu lực pháp luật mà thiếu sự phối hợp, quyết liệt ở các biện pháp phòng ngừa tiền tố tụng, trong tố tụng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo, phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN

Có dấu hiệu tội phạm là nhất quyết chuyển điều tra

Cùng với đó, nhiều cơ chế mới để tăng cường phối hợp xử lý các vụ án tham nhũng cũng được xây dựng, triển khai. Chẳng hạn, tại cuộc họp của Thường trực BCĐ hồi tháng 3, từ đề xuất của Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực BCĐ và sự đồng tình của các thành viên BCĐ, Trưởng BCĐ Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu từ nay các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án nếu phát hiện tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật.

Đây là cơ chế mới so với quy định, cách làm lâu nay là các cơ quan này thường đợi kết thúc quá trình công tác chuyên môn của mình rồi mới chuyển hồ sơ.

Cũng theo cách ấy, Tổng bí thư yêu cầu bất cứ khi nào phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý thì các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án phải báo cáo ngay cho Thường trực BCĐ - tức trưởng Ban Nội chính Trung ương để kịp thời chỉ đạo xử lý. Đồng thời chuyển thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan cho hai phó trưởng BCĐ là thường trực Ban bí thư, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng.

Với cách làm mới này, công tác cán bộ liên quan đến nhân sự đại biểu Quốc hội đã kịp loại khỏi danh sách ông Trần Văn Nam, khi trúng cử đại biểu Quốc hội đang giữ chức bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Theo đó, cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với ông Nam chưa kết thúc, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chuyển hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để Hội đồng bầu cử quốc gia kịp thời xử lý trước khi họp báo công bố kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Quy chuẩn hóa hoạt động kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo

Các thành viên BCĐ Trung ương về PCTN cũng như Ban Nội chính Trung ương lâu nay vẫn tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát công tác PCTN trong lĩnh vực, địa bàn được phân công. Tuy nhiên, hoạt động này chưa bài bản, thống nhất nên kết quả còn hạn chế. Để khắc phục, phiên họp này, BCĐ đã thông qua Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của BCĐ.

Quy định này gồm năm chương, 24 điều, mô tả rõ mục đích, nguyên tắc, chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát; thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng liên quan.

10 đoàn công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ngoài ra, ông Nguyễn Thái Học cho biết BCĐ đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương trực tiếp kiểm tra, xử lý về mặt Đảng các cán bộ, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế thuộc diện BCĐ theo dõi chỉ đạo.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã lập 14 đoàn kiểm tra, trong đó 10 đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với các tổ chức Đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo. Qua đó đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật một tổ chức Đảng trực thuộc trung ương, bảy cán bộ thuộc diện trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp nhà nước có sai phạm.

Giải thích thêm, ông Nguyễn Văn Yên, Vụ trưởng Vụ Theo dõi án tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương, cho biết lâu nay việc xử lý về mặt Đảng với các cán bộ liên quan tới các vụ án hình sự thường theo cách làm thông thường, tức cán bộ thuộc cấp ủy nào quản lý thì cấp đó thụ lý. Nhiều đầu mối, tầng nấc, vậy nên trong một số trường hợp có sự lệch pha, chậm trễ kỷ luật đảng so với kỷ luật hành chính hoặc án hình sự.

“Giờ phải cố gắng để kỷ luật đảng đi trước một bước, hoặc ít nhất đi song song, chứ không được đi sau tố tụng” - ông Yên cho biết.

Năm vụ án lớn cần được khẩn trương đưa ra xét xử

BCĐ Trung ương về PCTN yêu cầu từ nay đến cuối năm, các cơ quan tiến hành tố tụng cần khẩn trương hoàn tất thủ tục tố tụng để đưa ra xét xử năm vụ án:

(1) Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng, xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

(2) Vụ án tham ô, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan.

(3) Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, xảy ra tại IPC.

(4) Vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).

(5) Vụ án thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm