Cơ chế đặc thù cho TP.HCM tăng thẩm quyền như thế nào?

Sáng 9-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng nhiều lãnh đạo TP đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo một số cơ quan báo chí để triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ông Nguyễn Đức Liên, Trưởng Văn phòng đại diện báo VietNamNet tại TP.HCM, cho rằng điều mà người dân TP.HCM quan tâm đó là việc với cơ chế đặc thù này thì họ được hưởng lợi ích gì. Đặc biệt là các chính sách an sinh như: Giáo dục, Y tế, an ninh trật tự... “Với cơ chế đặc thù này thì điều mà người dân quan tâm nhất đó nữa là khi ra đường có phải lo lắng về an ninh trật tự nữa không?”- ông Liên nói.

Ông Nguyễn Đức Liên, Trưởng Văn phòng đại diện báo VietNamNet tại TP.HCM, nêu ý kiến. Ảnh: TÁ LÂM 

Chính vì vậy, ông Liên kiến nghị lãnh đạo Thành ủy, chính quyền TP cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí để người dân hiểu rõ hơn.

Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM cho biết báo đã từng có loạt bài "Phố mặc áo làng" phản ánh tình trạng đô thị lớn như TP.HCM mà cách quản lý như làng xã. Sau loạt bài đó, báo cũng đã có nhiều loạt bài khác phản ánh thực trạng này và sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù cho TP.HCM. 

"Khi tuyên truyền trên báo chí, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc, nhưng tựu chung lại một ý là: Cơ chế đặc thù cho TP.HCM có lợi gì cho người dân? Chẳng hạn các đề án liên quan đến cơ chế đặc thù có ý là sẽ tăng cường các giải pháp phương tiện vận tải công cộng, vậy thì điều này sẽ giúp TP chống kẹt xe ra sao để người dân đi lại tốt hơn?- ông Phước đặt vấn đề.

Ông Mai Ngọc Phước - Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM phát biểu tại buổi gặp với Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM cũng nêu ra các vấn đề khác mà người dân, cán bộ của TP quan tâm như về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính cũng như chất lượng cán bộ, công chức. Trên cơ sở đó, TP mới thực hiện việc tăng lương, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức. 

Ông Phước hỏi thêm: Hiện nay theo các đề án trong 5 vấn đề thực hiện cơ chế đặc thù, có nhiều vấn đề liên quan tới luật thuế, phí, lệ phí, vấn đề quản lý đất đai, phạt trong giao thông... Vậy “sự  lệch nhau giữa luật hiện hành với các quy định đó ra sao, chúng ta xử lý như thế nào?“. 
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết trong nghị quyết của Đảng, trong Hiến pháp và một số nghị quyết của Quốc hội có nói rằng những vấn đề gì mà luật chưa quy định hoặc quy định mà không còn phù hợp với thực tiễn thì cho phép thí điểm. Với tinh thần như vậy thì Nghị quyết 54 đặt ra cơ chế đặc thù thí điểm ở TP.HCM đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, khi thực hiện nghị quyết này sẽ không vi phạm quy định của pháp luật và hoàn toàn phù hợp.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với các đại biểu tại buổi gặp. Ảnh: TÁ LÂM

Bà Tâm cho biết thêm, trong Điều 7 của Nghị quyết 54 cũng có các khoản quy định áp dụng pháp luật cho thấy việc thực hiện của TP là thuận lợi.

“Việc quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền. Đây là bốn nhóm vấn đề có sự khác biệt và việc thực hiện theo quy định tại nghị quyết này thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp nghị quyết này không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành”- bà Tâm nói.
“Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật và nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết này thì việc áp dụng do HĐND TP quyết định”- bà Tâm dẫn lại khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết 54 và cho rằng điều khoản này có độ mở rất lớn cho TP, vai trò của HĐND được giao tăng thêm rất lớn.
Theo bà Tâm, từ “hơn” trong cụm từ “cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn” đặc biệt quan trọng đối với TP.HCM. Có nghĩa là đặt ra cho HĐND có sự lựa chọn, thẩm quyền quyết định về từ “hơn” này. Cơ chế chính sách mà thuận lợi hơn nghị quyết này thì quyền quyết định áp dụng văn bản pháp luật nào là do HĐND TP quyết định.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc điều chỉnh mức thu thuế và các loại phí, lệ phí.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng phí và lệ phí không phải ban hành để tăng nguồn thu, mà để điều chỉnh, quản lý đô thị phát triển nhanh, bền vững theo yêu cầu của TP là chủ yếu, đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút nguồn lực phát triển TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm