'Có cán bộ ra tòa nói như thể người ngoài hành tinh xuống vậy'

Chiều 22-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ. Mặc dù tán thành với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên nhiều ĐBQH vẫn tỏ ra băn khoăn về tính thuyết phục của báo cáo.

Báo động về đạo đức công chức

Thảo luận tại tổ, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng đạo đức công chức đang là vấn đề đáng báo động. Dẫn chứng về vụ gian lận điểm thi tại một số địa phương thời gian qua, ĐB Lan nói: “Nhiều trường hợp (cán bộ vi phạm) ra tòa xử mà nói như thể là người hành tinh nào xuống vậy, không còn một cái gì gọi là liêm sỉ".

Bà Lan cho rằng việc cán bộ vi phạm chối tội tại phiên tòa như thế cho thấy họ “không có thái độ ăn năn, hối cải, không thấy được lỗi của mình mà điên cuồng phản ứng bằng mọi cách để thoát tội”. Theo đó, ĐB này đề nghị cần chấn chỉnh về “đạo đức công vụ”, để hạn chế những trường hợp tương tự xảy ra.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM)

Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng dư luận xã hội không đặt nặng ở vấn đề anh có sai sót tới mức nào mà là trước mỗi một sai sót, vi phạm, khuyết điểm như vậy thì tính trung thực và tôn trọng người dân như thế nào?

“Khi tôi tiếp xúc cử tri, cử tri nói làm như vậy là thiếu tôn trọng và coi thường nhân dân. Ví dụ như không có cán bộ chủ chốt, không có cán bộ lãnh đạo nào có con được nâng điểm nhận khuyết điểm cả. Họ cho rằng cách nêu vấn đề như vậy phải chăng là một sự né tránh?” - ĐB Tâm cho hay.

Theo bà, làm như vậy không tạo được sự thuyết phục và người dân cho rằng mình coi thường dư luận.

“Người dân thậm chí nói thà không nhận khuyết điểm, thà không thi hành kỷ luật, thà không có kiểm điểm và đừng công bố cái đó trước người dân thì người dân còn thấy đỡ hơn. Công bố người ta thấy có gì đó rất chua chát.

Ví dụ, nâng điểm do quan tâm, do mối quan hệ cá nhân, không có tiền bạc gì… Người ta cho rằng cách mình nói như vậy trước công luận là thiếu sự trung thực” - ĐB Tâm nói và cho biết cử tri đã đặt hỏi và yêu cầu ĐBQH đặt vấn đề này với các cấp để tìm ra các hình thức xử lý phải là bài học kinh nghiệm sau mỗi vụ việc và có tính răn đe cao hơn.

Mừng vì tăng trưởng cao nhưng lo lắng về tính bền vững 

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho hay thực tế có nhiều ý kiến băn khoăn về việc trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, vốn đầu tư công triển khai chậm, rất nhiều nguồn chưa được hòa vào tiến trình phát triển kinh tế…

Đại biểu Vũ Thị Mai (Hà Nội)

“Đặc biệt, các trụ cột của nền kinh tế như doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp tư nhân cũng có sự hụt thu. Vậy thì con số tăng trưởng đưa ra thì tính thuyết phục như thế nào? Tôi nghĩ rằng trong báo cáo Chính phủ nên có những minh chứng rõ hơn để chúng ta có niềm tin vững chắc vào tính hiện thực của những kết quả mà chúng ta đạt được” - bà Mai nói.

Bà Mai cũng cho rằng thu ngân sách hiện nay cũng thiếu tính bền vững, phần vượt thu chủ yếu là từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản như tiền đất tăng 29,9%, tài nguyên nước tăng 40,8%, xổ số kiến thiết tăng 6,2%, trong khi đó ba trụ cột của nền kinh tế là DNNN, FDI, tư nhân thì đều sụt giảm. Trong đó DNNN giảm 5,9%; FDI 4,1%, tư nhân giảm 1,9%. Bà Mai đề nghị Chính phủ “cần hết sức lưu tâm” vấn đề này.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Mai, ĐB Nguyễn Quốc Bình đoàn Hà Nội cho rằng cần phải đánh giá, phân tích kỹ vấn đề này để có giải pháp. Ông lý giải thu ngân sách của khối doanh nghiệp giảm thì có mấy vấn đề xảy ra, gồm: Thứ nhất là doanh thu giảm tức hoạt động sản xuất kinh doanh giảm (doanh thu sẽ gồm VAT và thuế xuất nhập khẩu). Thứ hai hiệu quả giảm thì thuế lợi tức cũng giảm.

“Một doanh nghiệm mà doanh thu giảm, lợi tức giảm nghĩa là doanh nghiệp không phát triển. Điều này cho thấy doanh nghiệp thời gian qua rất khó khăn” - ông nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội).

Theo đó, ĐB này đề nghị cần có những chính sách đột phá cho doanh nghiệp phát triển, thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế.

“Báo cáo cho thấy số doanh nghiệp mới thành lập rất nhiều, tất cả chỉ số khác đều tăng nhưng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thực chất thì đều giảm. Điều này Chính phủ cần phân tích kỹ và phải có những chính sách để thực sự thúc đẩy để doanh nghiệp hoạt động thực chất, là nòng cốt hiệu quả và là nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững cho thời gian tới” - ông nói.

ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng: Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và sự vào cuộc của nhân dân kết quả tăng trưởng kinh tế đã đạt được thành quả “kép”, tăng trưởng cao đi đôi với dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, Chính phủ cần phân tích rõ hơn về những khó khăn thách thức cũng như có giải pháp khắc phục.

Cụ thể, phát triển kinh tế tăng trưởng cao nhưng còn băn khoăn về tính vững chắc của tăng trưởng, giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 40%, trong khi vốn vay nước ngoài ODA còn thấp hơn nữa.

Theo ông Lâm, cổ phần hóa DNNN chậm đang làm giảm tăng trưởng, bởi nếu huy động được các nguồn lực vào trong quá trình sản xuất, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ còn cao hơn nữa. Hay như Hà Nội, TP.HCM không tắc đường hàng giờ, nhích từng tí thì sự lưu thông của nền kinh tế còn lớn hơn nữa để đóng góp cho tăng trưởng.

Nguyên nhân của những hạn chế trên được ông Lâm nhìn nhận chính là phản ứng của các cơ quan Nhà nước với chính sách còn chậm. Cụ thể như vấn đề ùn tắc đô thị là vấn đề diễn ra bao nhiêu năm nay nhưng giải pháp đưa ra chưa có triển vọng.

“Còn tồn tại bao lâu nữa?" - ông Lâm nêu câu hỏi khi cho rằng các giải pháp đưa ra chưa thấy triệt để. Bên cạnh đó, an ninh môi trường, nước sạch, không khí có vấn đề, rác thải ở các đô thị đang trở thành những vấn đề nóng do đó Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm giải quyết.

Đề nghị quan tâm đầu tư hơn cho hạ tầng ĐBSCL

ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) băn khoăn khi đầu tư kết cấu hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế so với phát triển của vùng do chịu sự tác động của biến đổi khí hậu.

Vị ĐB nói cử tri than phiền việc triển khai chậm làm cho nguy cơ tác động do biến đổi khí hậu còn phức tạp hơn nữa. Cử tri bức xúc về giao thông vận tải nhưng không giải quyết căn cơ, nhiều người nói chạy trên đường quốc lộ các tỉnh bạn đường bon bon, cứ thấy gặp ổ gà là biết vào Cần Thơ. Từ đó dẫn đến việc nơi xe chờ đường, nơi đường chờ xe, nơi giao thông cần nhưng không được đầu tư vì vậy cần quan tâm đến vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm