 Một số cá nhân sai phạm vẫn được xếp 'hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ'

'Có cả cán bộ cấp cao vi phạm về kê khai tài sản'

Theo báo cáo, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 hơn 1,113 triệu người; đạt tỉ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập tại Bộ NN&PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, TP Hà Nội, Yên Bái và Đồng Nai.

Tổng Thanh tra Lê Minh Khái.

“Qua xác minh phát hiện và xử lý năm trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Cùng kỳ, năm 2016 đã không phát hiện được trường hợp nào vi phạm” - Tổng Thanh tra cho biết.

Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Tổng Thanh tra, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

“Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm” - ông Khái nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác này so với năm 2016.

Bà Nga cũng cho rằng báo cáo này cũng chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và nhất là cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác PCTN; chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác PCTN đã tồn tại qua nhiều năm...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Theo Ủy ban Tư pháp, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, một số văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo… nhưng chậm được sửa đổi nên chưa kịp thời khắc phục được những bất cập trong quản lý và chưa đủ mạnh để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng...

Cạnh đó, theo Ủy ban Tư pháp, trong khi các ngành, các cấp triển khai nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thì hành động thực tế của một bộ phận cán bộ, đảng viên lại không tương xứng với quyết tâm chính trị chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, nói không đi đôi với làm.

Vẫn còn tồn tại các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, thiếu gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn. Hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, không chỉ ra các cá nhân có biểu hiện suy thoái, “dĩ hòa vi quý” khi kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

“Thậm chí có cá nhân để xảy ra sai phạm, tiêu cực nhưng vẫn được đơn vị xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; còn xử lý chưa nghiêm một số vụ tiêu cực mà dư luận xã hội bức xúc ở một số ngành, địa phương thời gian qua...” - báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu rõ.

Hối lộ bằng hình thức tặng quà diễn biến phức tạp

Theo bà Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà tặng dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, trong thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, đặc biệt là hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, hiếu, hỉ… Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm.

Qua một số vụ án được đưa ra xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng OceanBank và chi hoa hồng cho bác sĩ của Công ty Cổ phần VN Pharma… Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và PCTN cần được Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để ngăn chặn tình trạng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm