Chuyện xúc động trong ngày mưa đón bác Sáu Nam về đất mẹ

Clip: Nữ giao liên 80 tuổi từ Tiền Giang tới đưa tiễn Đại tướng Lê Đức Anh lần cuối.

Rất nhiều câu chuyện được chúng tôi cóp nhặt trong suốt một ngày theo lễ viếng Đại tiếng Lê Đức Anh tại TP.HCM cho đến khi ông trở về lòng đất mẹ.

“Bận thế nào cũng phải lên đưa bác một đoạn đường”

Má Xem đã 80 tuổi cùng người bạn bắt xe đò lên viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Má là Nguyễn Thị Xem. Năm nay má 80 tuổi rồi. Má là giao liên từ những năm 1968. Ngày trước, má chỉ biết Đại tướng qua chỉ thị thôi, chứ đâu biết mặt. Sau này qua báo đài, đồng đội kể chuyện nên má biết, má quý.

“Đọc trên báo biết tin Đại tướng mất. Nay má với cô Trang lên đây mong thắp một nén hương, đưa bác một đoạn đường. Má đi xe đò xa quá, lại bắt khách nên đầu giờ chiều má mới tới nghĩa trang được. Má ở Tiền Giang lên đây đó”, má Xem kể chuyện.

Lê đôi chân tập tễnh từng bước nặng nhọc má bảo là ngày xưa Mỹ bắn máy, má làm giao liên trúng đạn “nát hết trơn”: “Má là giao liên mà, má đi trước mình dẫn đường cho du kích, rồi nghe xoẹt xoẹt xoẹt xoẹt, nát hết trơn, má phải lủi lủi vào bờ mới sống được đó, y như trong phim vậy. Rồi người dân cứu má. Nay má tròng 3, 4 đôi tất vào cho bớt thốn rồi đấy, đi xa mà. Mà xa vậy chứ xa nữa, má vẫn lên viếng bác”, má Xem quả quyết.

Tranh thủ trước khi bắt đầu lễ an táng Đại tướng tại nghĩa trang thành phố, má và bạn đi thăm các mộ phần của những người anh hùng có công với dân tộc: Bà Nguyễn Thị Định, ông Võ Văn Kiệt…

Tướng Lê Đức Anh là một người rất thương lính

Với ông Nguyễn Minh Khôi, Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là thủ trưởng mà còn là người thầy, người cha thứ hai của mình.

ông Nguyễn Minh Khôi nhớ lại những kí ức về người thầy, người cha kính mến. Ảnh: HOÀNG GIANG.

“Tướng Lê Đức Anh là một người rất thương lính. Hồi tôi gặp bác Lê Đức Anh tôi mới 18 tuổi, cùng sư 341, lúc đó thầy là Đại tá. Chúng tôi là lính trẻ, phá như quỷ ấy.”, ông Khôi bật cười nhớ lại. Những kí ức như câu chuyện mới ngày hôm qua.

Ông may mắn được gặp và trò chuyện cùng Đại tướng 2 lần. Một lần là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lúc đó ông làm bên cơ yếu, nhiệm vụ của ông là nhận lệnh đưa đến các đơn vị chiến đấu. Lần hai ông gặp thầy ở biên giới Tây Nam. Ông và đồng đội là mũi tiến công thứ 5 mũi tiến công cuối cùng vào Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất)

“Hồi đó Tướng Lê Đức Anh cùng ông Hoàng Cầm đã tới mặt trận Tây Ninh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (Tây Nam - PV). Tôi là người đi theo sát. Tướng Lê Đức Anh đã tới cầm tay, động viên những chiến sĩ bị thương nặng. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh ông lúc đó, ông rơm rớm nước mắt bảo: Các con ta nằm đây nhiều thế. Ông khóc”, hắng giọng, ông Khôi trầm ngâm nhớ lại.

Ông nói chiến tranh là mất mát hi sinh, sẽ có người thắng, sẽ có kẻ thua. Nhưng dù thắng hay thua thì cả hai bên đều phải chịu tổn thất, mất mát. Lúc nhìn thấy Tướng Lê Đức Anh rơm rớm nước mắt, vị tướng đã quen với chiến trận, với sinh ly tử biệt, ông Khôi cũng không khỏi nghẹn ngào.

Và ngàn lẻ một câu chuyện khác…

Đó còn là câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, từ đất Bắc xa xôi vào TP.HCM mong thắp một nén hương viếng bác.

Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên dừng cuộc tham quan để đi viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Chị bảo thực ra mục đích ban đầu của chị là đi du lịch, vé chị đặt từ 5 tháng trước rồi. Nhưng khi hay tin Đại tướng Lê Đức Anh mất, vì ngưỡng mộ sự liêm chính của vị lãnh tụ này mà gia đình chị quyết định dừng bước, ba mẹ con chị lên đây mong thắp một nén nhang, đưa bác đi một đoạn đường.

“Ba mẹ con vào đây, sáng nay mẹ con viếng bác ở Hội trường Thống Nhất rồi. Chiều nay mẹ con tới đây lần nữa, mong đưa bác đi một đoạn đường, lần đầu cũng là lần cuối”, chị Duyên nói.

Anh Trần Văn Hồng tập tễnh trên đôi nạng sắt tới tiễn đưa Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.

Chống tay trên đôi nạng sắt, một chân đã mất, anh Trần Văn Hồng tập tễnh bước đi trong hoàng hôn đang vụt tắt. Năm nay, anh 59 tuổi, là người từng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm xưa.

“Tôi đọc báo biết về bác thôi. Nãy tôi đến muộn nên chỉ đứng ngoài xá. Lúc tính ra về thì biết được vào thắp hương vậy là đi vào. Chỉ mong một lần được thắp nén hương cảm ơn bác”, anh Hồng cười buồn.

Đó còn là những dòng nấc nghẹn của thân nhân Đại tướng Lê Đức Anh khi kể về sự  liêm chính, trung thực của một vị lãnh đạo suốt đời đau đáu lòng dân vận nước. “Có bận, người nhà về tỉ tê với bác bảo cháu bác đậu Đại học rồi, bác là chủ tịch nước nhờ bác xin cho cháu công việc. Bác mà giúp thì chắc không khó. Nhưng bác chỉ cười xua tay bảo, dùng năng lực của mình để phấn đấu, gian nan rèn luyện mới thành công mà. Đất nước cần những người thực tài”, chị nghèn nghẹn nhớ lại….

Chiều nay, đoàn linh xa đưa bác Sáu Nam về trong cơn mưa tầm tã. Mưa như nước mắt đất mẹ đón người con sau bao năm bôn ba vất vả trở về.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm