Chuyển nhượng đất công: Phải đấu giá

Đó là khẳng định của Bộ Tài chính tại buổi họp báo ngày 17-5 chuyên đề về triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Luật này được thông qua ngày 21-6-2017 với kỳ vọng ngăn chặn được tình trạng biến “của công thành của ông”.

Muốn chỉ định phải hỏi ý kiến Thủ tướng

Tình trạng nhiều trường hợp đất công bị chuyển nhượng không qua đấu giá thời gian qua, điển hình vụ Phước Kiển mà Quốc Cường Gia Lai đã mua từ Công ty Tân Thuận, TP.HCM là vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm đặt ra. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho hay: “Những vụ việc cụ thể về chuyển nhượng đất công không qua đấu giá thời gian qua báo chí đã nêu rất nhiều và đang trong quá trình điều tra hoặc thanh tra. Trách nhiệm thông tin những vụ việc này thuộc về các cơ quan chức năng”. Theo ông, về nguyên tắc việc quản lý nhà, đất cơ quan hành chính sự nghiệp quy định từ Nghị định 14/1998 đến Nghị định 137/2006; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 luôn phân định tài sản công trung ương và địa phương, cấp nào quản lý và quyết định tài sản công thuộc quyền mình.

Ông Thịnh cho biết về cơ bản tài sản công khi thực hiện chuyển nhượng thì phải đấu giá. “Một số trường hợp được chỉ định và thường báo cáo Thủ tướng xem xét” - ông thông tin. Vẫn theo ông Thịnh, theo pháp luật về tài sản công thì nhà, đất khi bán đấu giá hay chỉ định đều phải theo giá thị trường, thông qua hội đồng thẩm định và trình UBND cấp tỉnh duyệt.

Phó Chánh văn phòng Bộ Tài chính Ngô Chí Tùng thông tin thêm: Vụ Phước Kiển các cơ quan chức năng đang kiểm tra. Việc xác định giá trị đất thì thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai. “Doanh nghiệp hay doanh nghiệp của cơ quan Đảng phải tuân thủ theo quyết định của cơ quan Đảng có thẩm quyền. Vấn đề này không thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ” - ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục phó Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, phát biểu tại buổi họp báo ngày 17-5. Ảnh: CHÂN LUẬN

Xử lý đất công ở năm thành phố lớn theo trình tự riêng

Khi được hỏi về việc trình Thủ tướng phương án xử lý tài sản công là nhà, đất thuộc các bộ, cơ quan trung ương tại TP.HCM, ông Thịnh cho hay thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương đề nghị báo cáo tình hình quản lý, sử dụng những tài sản nhà, đất như nhà khách, văn phòng 2… Hiện các bộ, cơ quan trung ương chuẩn bị báo cáo và Bộ Tài chính cũng đôn đốc.

 “Trước đây quy định việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được tách riêng cho Hà Nội, TP.HCM và 61 tỉnh, thành còn lại. Đợt này, năm TP trực thuộc trung ương sẽ được xử lý nhà, đất theo một trình tự khác. Theo đó nhà, đất trên địa bàn năm TP trực thuộc trung ương thì Bộ Tài chính trực tiếp chủ trì kiểm tra hiện trạng. Các địa phương còn lại sẽ do các bộ, ngành phối hợp với các cơ quan khác kiểm tra” - ông Thịnh thông tin.

Về việc doanh nghiệp biếu tặng tài sản trong thời gian qua, ông Thịnh nhìn nhận: “Đúng là có một số vấn đề, đặc biệt là ô tô sang do doanh nghiệp tặng”. Theo ông, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo không tiếp nhận tài sản là các ô tô. “Trong trường hợp tiếp nhận tài sản cho tặng của các tổ chức, cá nhân thì các tài sản phải xác lập quyền sở hữu toàn dân nói chung và bắt buộc phải thành lập hội đồng định giá sát với giá thị trường” - ông Thịnh nói. Chẳng hạn đối với một ô tô sang, trên hóa đơn có thể chỉ ghi 1,1 tỉ nhưng hội đồng định giá có thể xác định lại thành 2,5 hoặc 3 tỉ đồng, sát với giá thị trường. “Hội đồng thẩm định giá sẽ căn cứ vào giá thị trường để xử lý tài sản nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan tiếp nhận tài sản sang quá mức” - ông Thịnh cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm