Chuyên gia Nhật Bản: Việt Nam cần kiên nhẫn chờ thời

Việt Nam cần tiếp tục kiên trì thể hiện thái độ không chấp nhận hành động xâm lấn và kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trên toàn cục, bao gồm cả sự thay đổi ở Trung Quốc. Đó là lời khuyên của Tiến sĩ Tomotaka Shoji, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Phòng nghiên cứu Á-Phi Viện nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản.   


Tiến sĩ Tomotaka Shoji, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Phòng nghiên cứu Á-Phi Viện nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Tiến sĩ Tomotaka Shoji, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Phòng nghiên cứu Á-Phi Viện nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

PV:
 Tình hình tại Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng trong gần 3 tuần qua sau khi Trung Quốc lắp đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển của Việt Nam. Theo ông sự căng thẳng này bắt nguồn từ đâu?

Tiến sĩ Shoji: Nếu nhìn bối cảnh tổng thể, có thể thấy trong những năm vừa qua Trung Quốc đang không ngừng thực hiện chiến lược tiến ra đại dương ở cả Biển Đông và các vùng biển khác với những hoạt động ngày càng thường xuyên của hải quân Trung Quốc. 

Còn đối với Việt Nam, Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành vi cản trở ngư dân Việt Nam tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Trong dòng chảy diễn biến đó, tôi nghĩ rằng hành động lần này của Trung Quốc là nhằm cụ thể hóa động thái củng cố ảnh hưởng của mình tại biển Đông với quần đảo Hoàng Sa làm trung tâm.

Điều làm tôi bất ngờ đó là trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông trong thời gian gần đây đang khá yên ả thì Trung Quốc đột nhiên lại tiến hành động thái đó. Tôi hết sức lo ngại đối với những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

PV: Hành động của Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Theo ông, đâu là cái được và mất của Trung Quốc khi thực hiện hành động này?

Tiến sĩ Shoji: Cái được của Trung Quốc rõ ràng là việc tăng cường thêm ảnh hưởng và sự khống chế trên thực địa. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Trung Quốc cũng sẽ có cái mất. Cái mất lớn nhất chính là quan hệ với Việt Nam và ở nghĩa rộng hơn là quan hệ với ASEAN. 

Trong nửa đầu thập niên những năm 2000, quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN rất tốt. Với sự tiếp cận tích cực từ phía Trung Quốc, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đã phát triển rất tích cực và hữu nghị với trọng tâm là lĩnh vực kinh tế và cả lĩnh vực chính trị, an ninh. Tuy nhiên, căng thẳng lên cao tại Biển Đông rõ ràng đã tạo thành điểm âm trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN.

PV: Tình trạng căng thẳng đã kéo dài suốt 3 tuần qua. Theo ông điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Tiến sĩ Shoji: Với tư cách là một nhà nghiên cứu, tôi đặc biệt chú ý đến những đối sách của phía Việt Nam.

Hiện Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp như trao đổi với phía Trung Quốc, trao đổi trong ASEAN, dùng tàu cảnh sát biển đối đầu với Trung Quốc tại thực địa. Nhưng tôi, một nhà nghiên cứu lại đang chú ý đến khả năng Việt Nam có học tập Philippines đưa vụ việc ra Liên Hiệp Quốc hay cơ quan trọng tài liên quan theo luật pháp quốc tế hay không. 

Nhưng đây quả là một lựa chọn vô cùng khó khăn đối với Việt Nam. Bởi Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất đối với Việt Nam trên nhiều ý nghĩa. Việt Nam đã rất nỗ lực trong một khoảng thời gian rất dài để ổn định mối quan hệ này, do đó, Việt Nam sẽ phải nhìn toàn cục trước khi thực hiện bất cứ hành động nào.

PV: Trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông, ASEAN đã ra tuyên bố kêu gọi kiềm chế và thúc đẩy việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC). Xin ông cho biết đánh giá về vai trò của ASEAN.

Tiến sĩ Shoji: Tôi cho rằng lần này ASEAN đã đưa ra được quan điểm tương đối thống nhất về vấn đề Biển Đông. Trong 10 nước thành viên ASEAN, mỗi nước có mối quan hệ riêng rất khác nhau với Trung Quốc. Cũng có những nước có mối quan hệ sâu sắc và không có vấn đề đặc biệt nào với Trung Quốc. Do đó, một ASEAN với 10 nước thành viên sẽ luôn gặp khó khăn để đi đến quan điểm thống nhất về vấn đề Biển Đông.

Tôi cho rằng, lần này ASEAN đã đạt đến sự thống nhất tương đối ở mức tối đa. Tuy nhiên, sẽ khó có thể nói về sự thống nhất đó của ASEAN sẽ có tác động thế nào đến Trung Quốc nếu không tiếp tục quan sát. Hay nói cách khác sẽ rất khó để đưa ra dự đoán.

PV: Vậy còn về Bộ Quy tắc ứng xử thì sao? COC vốn đã không được Trung Quốc đón nhận mặn mà sẽ càng khó khăn hơn do tình hình hiện nay?

Tiến sĩ Shoji: Đương nhiên, không có bất cứ nghi ngờ về việc COC rõ ràng là vấn đề quan trọng nhất đối với ASEAN tại Biển Đông. Nhưng đáng tiếc, chúng ta buộc phải nói Trung Quốc đang thể hiện thái độ tiêu cực đối với COC. Do đó, rất khó để hy vọng ASEAN sẽ sớm đạt được một kết quả tốt về COC.

Mặc dù không phải là một ý kiến mang tính sáng tạo gì nhưng chỉ có cách tiếp tục thảo luận mà thôi. Chúng ta hiện không biết được sẽ mất bao nhiêu năm để có được kết quả, nhất là khi tình hình đang ngày càng trở nên không rõ ràng trong những năm gần đây.

Nhưng dù sao, chúng ta đã có một khuôn khổ và hàng năm gặp mặt vài lần để trao đổi trong khuôn khổ đó cũng đã là một nỗ lực rất lớn. Đối với ASEAN, việc tiếp tục thảo luận trong khuôn khổ đó theo tôi là một cách làm hiệu quả nhất. Nhưng có lẽ sẽ không có chuyện COC được hình thành ngay lập tức.

PV: Một dự báo đáng buồn là Trung Quốc sẽ tiếp tục bỏ qua quyền lợi của các nước láng giềng để thực hiện chính sách tiến ra đại dương của mình. Vậy các nước có mâu thuẫn về chủ quyền với Trung Quốc như Việt Nam nên thực hiện đối sách gì?

Tiến sĩ Shoji: Nếu nói một cách thẳng thắn, có lẽ không có một đối sách nào có thể khiến Trung Quốc thay đổi ngay lập tức. Nhưng dù sao vẫn phải làm điều gì đó, đây là nhận thức chung của các nước đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến biển.

Mặc dù chỉ mang tác động gián tiếp nhưng một trong những đối sách là ASEAN phải phát huy tối đa hiệu quả các hội nghị liên quan của mình. Tại đó, kiên trì truyền đạt cho phía Trung Quốc quan điểm chung của cộng đồng quốc tế rằng không được sử dụng để thay đổi hiện trạng đối với các vấn đề liên quan đến trật tự thế giới, trước hết là vấn đề trên biển. Để làm được điều đó, trước hết các nước ASEAN cần có sự thống nhất.

Tiếp đó là nhận được sự hợp tác của các nước đối tác như Nhật Bản để thể hiện sự đồng thuận về việc duy trì hiện trạng. Một vấn đề mang tính hiện thực khác là duy trì sự can dự của Mỹ tại khu vực. Chúng ta cần tích cực thúc giục Mỹ tiếp tục sự can dự tại khu vực.

PV: Được biết ông đã có nhiều nghiên cứu về cách thức ứng xử của Việt Nam đối với Trung Quốc trong các cuộc chiến trước đây. Dựa trên nghiên cứu của mình, ông có thể rút ra những nhận định về cách ứng xử mà Việt Nam đã sử dụng từ trước đến nay, đồng thời xin ông đưa ra lời khuyên về cách ứng xử từ nay về sau.

Tiến sĩ Shoji: Tôi nghĩ rằng sẽ không thích hợp đối với người Việt Nam khi rút ra những cái này cái kia từ cuộc chiến tranh trước kia. Nhưng quả thực, người Việt Nam quả là một dân tộc hết sức kiên cường, kiên trì. Với ý nghĩa đó, người Việt Nam rất kiên cường khi bảo vệ các lợi ích quan trọng của mình. Do đó, tôi cho rằng tình trạng tàu cảnh sát biển Việt Nam đối đầu với tàu Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt tại Hoàng Sa sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Vì vậy, chiến lược của Việt Nam ở đây theo tôi sẽ là tiếp tục kiên trì thể hiện thái độ không chấp nhận chuyện đó và kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trên toàn cục, bao gồm cả sự thay đổi ở Trung Quốc. Nếu nhìn lịch sự hiện đại của Việt Nam, có lẽ đây là chiến lược mà chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng.

Một điều tôi hay nghe từ người Việt Nam đó là lịch sử Việt Nam là quá trình luôn phải suy tính để quan hệ thế nào với nước láng giềng khổng lồ phía bắc và từ đó có thể rút ra rất nhiều bài học. Một điều khác tôi cũng thường nghe từ người Việt nói đó là chúng tôi không khiêu khích để ổn định mối quan hệ với nước láng giềng.

Tôi nghĩ rằng đó là “trí tuệ” hết sức đúng đắn. Điều tôi suy nghĩ từ tình hình căng thẳng hiện nay đó là có vẻ “trí tuệ” đó đã bị đặt sang bên cạnh. Theo tôi, việc tạo ra một “trí tuệ” mới trong hoàn cảnh hiện nay là vấn đề khá khó khăn.

Tôi xin đưa ra một câu chuyện khá cũ, đó là cuộc kháng chiến giành độc lập từ người Pháp vào khoảng năm 1947, 1948. Khi đó, người Việt Nam đã thực hiện trường kỳ kháng chiến, kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi của toàn cục. Kết quả là trận Điện Biên Phủ xảy ra và Việt Nam giành chiến thắng trước quân Pháp. Từ câu chuyện đó, tôi cho rằng một bài học rút ra là kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi trên toàn cục. Vấn đề đặt ra là sử dụng bài học đó như thế nào khi đưa ra các chính sách cụ thể.

Theo tôi, Việt Nam có kinh nghiệm xử lý những khó khăn qua một chặng đường lịch sử dài và rốt cuộc cũng sẽ tìm ra được một chính sách hợp lý nhất phù hợp với lợi ích quốc gia ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất.

** Xin cảm ơn ông!.
 Tiến sĩ Shoji đã có 3 năm sống và nghiên cứu tại Việt Nam. Ông đã có một số công trình nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung như: “Cách ứng xử đối với Trung Quốc của Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất – Chính sách đối ngoại và tư tưởng của nước nhỏ”, “Chính sách giải phóng miền nam của Đảng Lao động Việt Nam và quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô”, “Hoạch định biên giới và vấn đề lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Theo Hoàng Liên Sơn, Ngọc Huân/VOV- Tokyo

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm