Chuyện Dương Chí Dũng tù vẫn có lương: Còn một câu hỏi vẫn bị để ngỏ

Dương Chí Dũng tỏ ra rất vui vẻ, lạc quan khi rời toà phúc thẩm trước ngày bị tuyên án.

Dương Chí Dũng tỏ ra rất vui vẻ, lạc quan khi rời toà phúc thẩm trước ngày bị tuyên án.

Dư luận những ngày qua bức xúc khi được biết Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chính thức ra quyết định số 2191/QĐ-BGTVT “buộc thôi việc” đối với ông Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), vừa bị kết án tử hình vì những sai phạm tại Vinalines.

Bức xúc vì chẳng lẽ từ ngày 17/5/2012 Dương Chí Dũng bỏ trốn đi nước ngoài đến ngày bị bắt – 5/9/2012 và cho tới ngày 7/5/2014 bị tuyên án tử hình, Bộ GTVT  vẫn coi Dương Chí Dũng đang công tác và vẫn trả lương cho ông ta sao? Thậm chí còn nâng lương cho ông ta nữa.

Để giải tòa bức xúc này, trong công văn gửi đến báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công khẳng định thời gian gần 4 tháng Dương Chí Dũng bỏ trốn (từ ngày bị khởi tố - 17/5/2012 đến ngày bị bắt – 5/9/2012), Cục Hàng hải không thực hiện việc trả lương cho Dương Chí Dũng và trong năm 2012, 2013, Bộ không nâng lương đối với ông ta.

Còn về việc trả lương cho Dương Chí Dũng từ thời gian bị bắt cho tới khi tòa phúc thẩm tuyên án tử hình, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công viện dẫn khoản 3 Điều 79 luật Cán bộ, công chức (nội dung:"Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật"), Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự (nội dung: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”), khoản 2 Điều 3 Nghị định 34 để giải thích việc sau khi có bản án phúc thẩm của TAND tối cao, Bộ mới ra quyết định buộc thôi việc đối với Dương Chí Dũng. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nêu rõ, khoản 4 Điều 4 Nghị định 34 quy định các trường hợp chưa xem xét kỷ luật là “đang bịtạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật”.Về việc trả lương đối với Dương Chí Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ căn cứ vào khoản 2 Điều 81 Luật Cán bộ, công chức (nội dung:“Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ”) để giải thích. Từ những quy định này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công xác nhận, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện việc chi trả 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối cựu Cục trưởng Dương Chí Dũng từ khi bị bắt đến khi Tòa tuyên án. Chốt lại văn bản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công quả quyết, việc Cục Hàng hải Việt Nam chi trả lương đối với ông Dương Chí Dũng và Bộ  GTVT kể từ khi ông Dương Chí Dũng bị bắt mãi đến nay mới ra quyết định buộc thôi việc đối với ông ta là đúng với các quy định hiện hành của pháp luật.

Việc giải thích đó của Bộ GTVT cũng chưa hẳn được sự đồng tình của nhiều người. Bạn đọc Tráng A Pao (apaotq@gmail.com) gửi thư về báo Dân trí, bày tỏ quan điểm: “…Việc các vị ở Bộ GTVT chờ kết luận phạm tội mới ra quyết định buộc thôi việc là hiểu sai Khoản 3 Điều 79 Luật Công chức, nguyên văn khoản đó như sau: "Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực”. Các vị đã hiểu sai từ "đương nhiên". Từ "đương nhiên” ở đây phải được hiểu là nếu vi phạm pháp luật thì bản án của tòa án là cao nhất, đương nhiên là buộc thôi việc, không cần họp xét kỷ luật hành chính nữa…” Còn ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Dân trí: "Theo quan điểm của tôi, từ thời điểm bỏ trốn đến khi tòa kết tội, Dương Chí Dũng có một chuỗi liên tục các vi phạm vừa là về hành chính và vi phạm hình sự, căn cứ vào đó coi như anh đã mất tất cả. Do vậy, không thể trả lương hay hưởng bất cứ chế độ gì nữa."
Tuy nhiên, dù sao Bộ GTVT cũng không im lặng, mà lên tiếng giải thích những căn cứ pháp luật mà Bộ dựa vào để giải quyết vụ việc trên, góp phần minh bạch được nhiều tình tiết, giải tỏa bớt bức xúc cho nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi mà trong công văn gửi báo chí, Bộ GTVT vẫn để trống. Đó là: Tại sao Nghị định số 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17 tháng 05 năm 2011 quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Đã có tại điều 14: “Điều 14. Buộc thôi việc … 4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp; 5. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.” Luật Lao Động cũng quy định: người lao động vắng mặt không có lý do chính đáng 05 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm thì bị sa thải. Vậy Dương Chí Dũng đâu chỉ tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng mà đã bỏ trốn khỏi công sở 4 tháng (từ ngày bị khởi tố - 17/5/2012 đến ngày bị bắt – 5/9/2012), Bạn đọc Hà văn Hồng (havanhong@yahoo.com) cho rằng: “Theo quy định tại Ðiểm c Khoản 1 Ðiều 85 của BLLĐ, trường hợp NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng thì được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải NSDLĐ. Chẳng lẽ Bộ GTVT và Cục Hàng hải không áp dụng sa thải được vì DCD bỏ trốn khỏi công sở, đào tẩu ra nước ngoài là "nghỉ việc có lý do chính đáng". Lý do gì mà Bộ GTVT lại không thực hiện những quy định pháp luật trên, ra quyết định sa thải Dương Chí Dũng, đặt một dấu chấm hết rứt khoát cho cuộc đời công chức của Dương Chí Dũng, để rồi “cái sảy nảy cái ung” đến khi bị bắt trở lại, lại phải viện dẫn văn bản này văn bản kia bào chữa việc chi trả lương cho Dương Chí Dũng suốt 2 năm ông ta ở trong tù?

Câu hỏi đang còn để ngỏ này, nhân dân đang chờ Bộ GTVT tiếp tục giải đáp.

Theo Nguyễn Đoàn (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm