'Chuyển cả 8 dự án cao tốc sang đầu tư công cũng được'

Một trong những nội dung mà Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 9-6 là việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đọc tờ trình và Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra.

ĐB Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội nói nhiều nhà đầu tư mong muốn triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: CHÂN LUẬN

Tại tổ, ĐB Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh) giải thích thêm một số vấn đề. Theo ĐB Thanh, dự án cao tốc Bắc – Nam được hình thành khi chưa có Luật đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Ban đầu, 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam được Chính phủ trình Quốc hội đầu tư theo hình thức PPP. Nhưng bây giờ, do ảnh hưởng của COVID-19, Chính phủ xin điều chỉnh chủ trương sang đầu tư công.

Dù thừa nhận bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng ĐB Thanh cũng nói đã có nhiều điều kiện thuận lợi. Chẳng hạn như việc Agribank sẽ được tăng vốn điều lệ, hay một số ngân hàng khác cũng có thể có khả năng cho vay. Bộ Chính trị đã nghe về chủ trương này và đồng ý cho chuyển đổi một số đoạn cao tốc từ PPP sang đầu tư công, nhưng giao cho Đảng đoàn Quốc hội, Đảng đoàn Chính phủ thảo luận.

UB Thường vụ Quốc hội đã họp và quyết định cho 3 đoạn là Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây – Phan Thiết chuyển đổi sang đầu tư công. “Riêng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết không có nhà đầu tư nào sơ tuyển. Theo Nghị quyết 52 của Quốc hội thì cho phép chuyển đổi PPP sang đầu tư công”- ông Thanh nói.

Vẫn theo ĐB Thanh, hai đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Dầu Giây – Phan Thiết thì lưu lượng lớn, có tiềm năng. Trước khi quyết định, 19 nhà đầu tư đã được mời để bày tỏ tâm tư, khả năng thu hút vốn. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, mong muốn và bày tỏ khát vọng triển khai các dự án này. Trong bối cảnh COVID-19, ông Thanh nói để các doanh nghiệp tham gia các dự án cao tốc cũng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ngay sau khi ông Thanh dứt lời, ĐB Hồ Đức Phớc (Nghệ An), Tổng KTNN, phát biểu cho rằng hệ thống giao thông là đường băng của nền kinh tế. Nếu hệ thống giao thông vững chắc thì kinh tế quốc gia sẽ cất cánh nhanh hơn.

Từ quan điểm đó, ĐB Phớc nói: “Tôi ủng hộ chuyển đổi 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam nói trên sang đầu tư công. Thậm chí có thể chuyển đổi cả 8 dự án thành phần sang đầu tư công để lan tỏa phát triển cho những năm sau”.

Ông cho rằng lẽ ra Quốc lộ 1A không nên chia cắt ra thành các dự án BOT như hiện nay. Bây giờ, Quốc lộ 1A đã bị chia cắt rồi, người dân và doanh nghiệp đều tốn chi phí sư dụng, vậy thì phải đầu tư công tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông để người dân có thêm lựa chọn.

ĐB Hồ Đức Phớc cho rằng các dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, cao tốc đường bộ Bắc - Nam triển khai nhanh ngày nào thì đất nước càng nhanh phát triển ngày ấy. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Ai thích đi Quốc lộ 1A thì đi, ai thích đi cao tốc Bắc – Nam thì đi” -  ĐB Phớc nói, và theo ông, những công trình như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc – Nam… cần phải được đẩy nhanh tiến độ.

“Các dự án này càng nhanh ngày nào thì đất nước càng phát triển ngày ấy”, ĐB Phớc nói.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đồng tình với tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của UB Kinh tế của Quốc hội. ĐB Thủy chỉ băn khoăn là các công trình BOT giao thông do tư nhân đầu tư thì được phép thu phí. Vậy, các dự án giao thông đầu tư công như các đoạn cao tốc Bắc – Nam này có thu phí hay không.

“Có lẽ cũng nên có thu một phần phí vì đây là dịch vụ tối ưu, chất lượng tốt”, ĐB Thủy nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm