Chưa có đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội

Ngày 21-9, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, trả lời trước thông tin dự kiến Hà Nội cấm xe máy ngoại tỉnh.

Theo ông Quang, Sở GTVT đang lấy ý kiến về đề án tăng cường quản lý xe cá nhân nhằm giảm ùn tắc cho Hà Nội. Đây là đề án được UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nghiên cứu xây dựng. Trong đó, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT là đơn vị tư vấn.

Ông Quang thông tin đề án đề ra lộ trình hạn chế xe máy tại Hà Nội theo ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ hạn chế xe máy ở phố cổ vào hai ngày cuối tuần và dịp lễ, tết từ năm 2020. Năm 2021 sẽ cấm xe máy vào nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hằng ngày và hạn chế xe máy ở phố cổ.

Trong các giải pháp chống kẹt xe, xe máy thường là đối tượng được ưu tiên hạn chế trước. Ảnh: PHI HÙNG

Giai đoạn 2 (từ năm 2023) sẽ cấm xe máy trong vành đai 2 và mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Kế đó, trong giai đoạn 3 (từ năm 2025) sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Cạnh đó, ô tô cá nhân cũng chỉ được hoạt động theo giờ tại một số khu vực.

“Đây mới chỉ là dự thảo sơ bộ ban đầu. Sở GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Dự thảo này chưa phải là đề xuất chính thức của Sở GTVT” - ông Quang giải thích thêm.

Trong khi đó, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển, trong báo cáo của dự thảo phục vụ hội thảo góp ý cho dự án trên, việc hạn chế xe cá nhân sẽ thực hiện từ năm 2020. “Nhưng chúng tôi đề nghị lùi thời gian, áp dụng trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến 2030. Bởi vì với cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng như hiện nay thì chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều mới đảm bảo được nhu cầu đi lại của người dân. Theo tính toán của chúng tôi, đến năm 2025 nếu Hà Nội nỗ lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, phát triển giao thông công cộng thì đáp ứng được 20%-25% nhu cầu đi lại. Khi đó mới nên dùng biện pháp hành chính hạn chế xe cá nhân. Nếu đến năm 2025 vẫn không cải thiện được cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông công cộng thì phải giãn lộ trình ra. Chúng tôi xác định nếu vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì chưa thể bàn đến việc hạn chế xe cá nhân” - ông Mười khẳng định.

Hà Nội đã triển khai 12 tuyến phố đi bộ và đã cấm triệt để các loại phương tiện chứ không phân biệt “hộ khẩu” của xe.

Ngoài ra, Sở GTVT TP Hà Nội đang xây dựng đề án để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học. Khi triển khai đề án hạn chế xe cá nhân thì sẽ chọn các tuyến đường có đầy đủ hạ tầng từ việc trông giữ xe đến lượng xe công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Một khi các tiêu chí này đáp ứng được thì mới cấm hoặc hạn chế xe cá nhân.

Ông HÀ HUY QUANG, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.