Chủ xưởng gỗ nhốt công nhân ở Bình Dương bị phạt 25 tháng tù

Đây là vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận bởi sự ngược đãi của bị cáo đối với các công nhân làm thuê.

Theo hồ sơ, xưởng gỗ do bị cáo Phong làm chủ hoạt động từ năm 2010 sử dụng chủ yếu là các lao động trẻ đến từ các tỉnh miền Tây. Trong quá trình làm việc ở đây, các lao động thường xuyên bị bị cáo Phong ngược đãi như bắt làm quá giờ, không được sử dụng điện thoại, ban đêm bị nhốt…

Bị cáo Phong được dẫn giải đến tòa nghe tuyên án vào sáng 3-7. Ảnh: HỒNG TÚ 

Nhiều người chịu không nổi nên cố tìm cách bỏ trốn. Trong đó, vụ anh Sơn Bồ Rót cố bơi qua hồ Cần Nôm bỏ trốn bị  tử vong do đuối nước đã khiến dư luận bức xúc. Từ sự việc này, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý hình sự đối với bị cáo Phong.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-6, bị cáo Phong một mực phủ nhận những cáo buộc của VKS. Tuy nhiên, đại diện VKS đã công bố các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án chứng minh bị cáo Phong đã có hành vi nhốt giữ người trái pháp luật vào ban đêm trong hơn ba tháng đối với các công nhân làm việc tại đây.

Viện cho rằng việc làm này đã xâm phạm quyền tự do của công nhân nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Từ đó, Kiểm sát viên đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phong từ 24 đến 28 tháng tù.

Bị cáo Phong được dẫn giải về nhà tạm giữ sau khi tòa tuyên án. Ảnh: HỒNG TÚ

Đồng tình với quan điểm của Viện, HĐXX nhận định tuy bị cáo Phong quanh co, chối tội nhưng có đủ chứng cứ chứng minh việc truy tố của VKS là có căn cứ. Từ đó, tòa áp dụng điểm d, điểm đ Khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự tuyên phạt bị cáo Phong 25 tháng tù (phạm tội nhiều lần và đối với nhiều người).

Riêng việc bồi thường cho những người bị hại và khiếu nại của gia đình anh Sơn Bồ Rót, do những người bị hại không có yêu cầu và cơ quan CSĐT, VKS không đề cập nên HĐXX không xem xét. 

 

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người thi hành công vụ; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm

năm.

(Theo Điều 123 Bộ luật Hình sự)

 HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm