Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét về đề án chống ngập 20.000 tỉ

Chiều 31-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các sở ngành đã nghe Công ty Mục tiêu vì Môi trường và Cộng đồng (EPT) báo cáo đề án các giải pháp cấp bách nhằm giảm đỉnh triều cao bất thường trong hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ để chống ngập cho TP.HCM và quy hoạch khả thi bền vững nhằm giữ mức triều cao bình thường trong hệ thống các sông này. Đề án này dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 20.000 tỉ đồng.

Báo cáo đề án, ông Nguyễn Công Anh, đại diện EPT đề xuất phân chia thành ba vùng kiểm soát nước. Trong đó, vùng một gồm bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, vùng hai gồm toàn bộ ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, vùng 3 là toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp.

Chủ tịch UBND TP.HCM nhận xét về đề án chống ngập 20.000 tỉ ảnh 1
Lãnh đạo TP.HCM nghe Công ty EPT thuyết trình đề án. Ảnh: TÁ LÂM

Cụ thể ở những vùng này sẽ xây dựng mô hình “Kè hở áp lực cột nước thấp quy mô cận thực tế trên các nhánh sông phù hợp thuộc hệ thống sông Soài Rạp, Lòng Tàu và Đồng Tranh. Giảm mức đỉnh triều trên sông Đồng Nai và Vàm Cỏ bằng biện pháp phi công trình là xây dựng hồ Đa nhiệm - Điều tiết tại huyện Cần Giờ... để bảo đảm sự phát triển bền vững cho TP.HCM giai đoạn 2020-2050”. 

TS Phạm Sanh cho rằng đề án này chỉ mới dừng lại ở đề tài nghiên cứu khoa học chứ không phải là một chương trình chống ngập.

“Đây là một ý tưởng hay vì nó là những giải pháp mềm trên thế giới cũng đã có nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, EPT cần có nghiên cứu, tính toán kỹ càng hơn, nếu được nên áp dụng ở phạm vi một dòng sông trước xem kết quả như thế nào chứ chưa nên đưa vào áp dụng với quy mô như TP.HCM” - ông Sanh nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT, đề nghị với dự án này trong quá trình thực hiện cần làm rõ tính khả thi so với quy hoạch của TP. Vì khi thực hiện dự án này phải di dời nhiều công trình. Kể cả việc xây hồ điều tiết ở Cần Giờ, bà Mỹ cũng đề nghị xem xét lại tính khả thi của hồ này vì nằm gần rừng phòng hộ nên khi xây dựng tác động đến môi trường và phá vỡ hệ sinh thái của rừng.

Ông Tất Thành Cang - Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng EPT nên hoàn thiện thêm đề án để có tính thuyết phục hơn.

“Vì TP.HCM nằm trong vùng Đông Nam Bộ có liên kết hệ thống thủy văn phức tạp, địa chất phức tạp, ngoài ra còn phải đối mặt với hiện tượng nước biển dâng. Nên nói đến chương trình giảm ngập của TP.HCM thì phải có hệ thống giải pháp đồng bộ từ phi công trình, công trình đến giải pháp về xử lý thủy văn địa chất thì mới giải quyết được bài toán chống ngập” - ông Cang nói.

Ông Cang cũng cho rằng khi nói đến giảm ngập của TP.HCM không thể không đặt chung trong vùng. Việc giảm tác động mức triều dâng ở biển vào mà EPT trình bày chỉ là một trong những giải pháp. Giải pháp của EPT có khả thi nhưng nên áp dụng ở một địa điểm cụ thể, một khu vực hẹp hơn để có thể đánh giá giá đầy đủ về hiệu quả.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng tình trạng ngập nước là bức xúc của người dân và đây cũng là một trong bảy chương trình đột phá của TP. Hiện nay, TP đang triển khai những giải pháp để làm sao thực hiện có hiệu quả chương trình chống ngập.

Ông Phong cũng đưa ra nhiều nguyên nhân ngập nước trên địa bàn TP.HCM, trong đó xác định ngập là do mưa, triều cường, nước biển dâng và không loại trừ do độ lún và có tình trạng quản lý yếu kém.

“Do đó, khi tiến hành các giải pháp chống ngập cần phải đồng bộ và toàn diện”, ông Phong nói và cho biết qua lắng nghe ý kiến của EPT, đây chỉ mới là ý tưởng khoa học thôi chứ chưa phải là dự án để TP.HCM hết ngập như EPT đã khẳng định.

Người đứng đầu chính quyền TP cho rằng vì đây là ý tưởng chỉ thiên về vấn đề triều lên mà thôi chứ chưa đồng bộ, nên EPT cần tiếp thu ý kiến của các sở ngành, các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi họp này để hoàn thiện đề án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm