Chủ tịch UBND TP.HCM: ‘Lòng tự trọng không cho phép chúng ta trì trệ’!

Sáng 28-4, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế-xã hội của TP tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2016.

Nhiều chỉ số tụt hạng “nhức nhối lắm”

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã bày tỏ những trăn trở về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số quản trị hành chính công của TP.CHM khi chứng kiến hai chỉ số này tụt giảm.

Ông Phong thông tin: Năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của TP.HCM đạt hạng 6 trên cả nước, tụt hai hạng so với năm 2014. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần tụt giảm nghiêm trọng. “Thảm hại nhất là chỉ số về tính minh bạch tụt từ hạng 4 xuống hạng 17, chỉ số về chi phí không chính thức từ hạng 42 tụt xuống hạng 54” - ông Phong cho biết. Trong khi đó, các chỉ số tăng lại tăng không đáng kể, chỉ 1-2 điểm. Chỉ riêng chỉ số về cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp thì trụ hạng, không giảm cũng không tăng. Ông Phong cho rằng “những kết quả này khiến chúng ta phải suy nghĩ”.

Về chỉ số quản trị hành chính công PAPI 2015 của TP.HCM cũng xếp thứ 47/63 tỉnh, thành. Tụt 29 bậc so với năm 2011. Chỉ số PAPI tụt giảm như thế khiến ông Phong phải thốt lên trước hội trường là “nhức nhối lắm”!

Ông yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải biết bức xúc trước việc này và đề ra những giải pháp cụ thể để nâng cao thứ hạng của TP. “Phải tạo quyết tâm, sự quyết tâm ở đây không phải mang tính hình thức đâu… Tôi cho rằng đây là những chỉ số cảnh báo xem chúng ta tập trung xây dựng môi trường đầu tư như thế nào”. Ông Phong nói thế và liên hệ với việc khởi tố sai chủ quán cà phê Xin Chào ở Bình Chánh vừa qua về tội kinh doanh trái phép đã tác động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh ghê gớm. Trong khi đó, TP đang tập trung tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư làm ăn kinh doanh.

Chủ tịch UBND TP.HCM  Nguyễn Thành Phong đang phát biểu chỉ đạo tại phiên họp kinh tế-xã hội sáng 28-4. Ảnh: TL

Nói về việc giảm các chỉ số trên đây, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng: “Cần phải nhìn nhận lại vì rõ ràng là TP đã làm được rất nhiều việc tốt nhưng người dân vẫn chưa hài lòng, doanh nghiệp thì vẫn chưa thấm. Vấn đề quan trọng là phải xem lại trong bộ máy của từng cơ quan, đơn vị, xem lại mối quan hệ giữa cán bộ và người dân” - ông Hoan nói.

Từ lý giải đó, ông Hoan cho rằng mấu chốt của vấn đề phải chăng ở chỗ chính cán bộ chưa sát với dân. “Tôi có cảm giác là thái độ giao tiếp với dân còn chưa ổn, còn tư duy xin-cho. Dân xin cái gì cho cái đó, hỏi gì nói nấy mà chưa chủ động để tư vấn cho người dân nhiều hướng giải quyết vấn đề để người dân yên tâm lựa chọn…” - ông Hoan nhìn nhận.

Phải biết nôn nóng cho sự phát triển của TP

Không chỉ trăn trở về sự tụt giảm của các chỉ số năng lực cạnh tranh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong còn bày tỏ sự không hài lòng khi nhiều việc đích thân ông chỉ đạo nhưng cấp dưới chậm thực hiện.

Nêu dẫn chứng như ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Phong cho biết đã chỉ đạo thành lập tổ công tác giải quyết các vấn đề người dân phản ánh, việc lập tổ này rất đơn giản nhưng phải một tháng sau thì đơn vị được giao mới trình cho ông ký. Hay như “việc thành lập tổ công tác tái định cư 12.500 căn hộ (hiện còn khoảng 6.000 căn hộ sau khi đã giao cho quận 2 quản lý số còn lại - NV), tôi cũng giao gần cả tháng rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy Sở Xây dựng trình ký. Việc này giải quyết rất đơn giản nhưng các đồng chí nói là đang nghiên cứu. Tôi cũng không hiểu các đồng chí nghiên cứu kiểu gì”.

Ông Phong nói với sự đốc thúc: “Các đồng chí phải nóng lòng với sự phát triển của TP này chứ, phải cố gắng nỗ lực chứ cứ nhẩn nha như vậy sao TP phát triển được. Có những vấn đề tôi kết luận rồi nhưng cứ kéo dài, rất lạ”.

Chỉ rõ tình trạng hiện nay một số sở, ngành kéo dài việc giải quyết hồ sơ cho dân, khi dân lên thì lại hạch sách đủ thứ, ông Phong yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành sâu sát và đốc thúc cán bộ khẩn trương giải quyết các công việc của người dân và doanh nghiệp. “Kéo dài như vậy gây lãng phí biết bao nhiêu cho xã hội, trong đó có niềm tin. Dân thì nôn nóng còn mình thì cứ từ từ, phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân và doanh nghiệp mà giải quyết cho họ” - ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền TP nhấn mạnh: “lòng tự trọng của một người nhận nhiệm vụ không cho phép chúng ta trì trệ”.

Phát biểu kết luận buổi họp, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị thời gian tới cần xây dựng môi trường lành mạnh, thông thoáng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó cần cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dịch vụ, mở rộng thị trường theo hướng tập trung thu hút đầu tư vào các ngành mà TP khuyến khích phát triển.

Ông Phong cũng đề nghị các lãnh đạo phải dành thời gian đi cơ sở để tháo gỡ những khó khăn trong thực tế chứ không nên ngồi đợi báo cáo.

TP.HCM đảm bảo không biến động giá gạo

Báo cáo của UBND TP.HCM đánh giá trong tháng 4, kinh tế TP đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu đều tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP… Đặc biệt về du lịch, lượng khách quốc tế đến TP đã tăng 23% so cùng kỳ và doanh thu hoạt động lữ hành. Tổng doanh thu du lịch trong bốn tháng đầu năm ước đạt 33.972 tỉ đồng, tăng 7% so cùng kỳ.

Trước thông tin về biến động giá gạo, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Phạm Thành Kiên cho biết TP.HCM đang dự trữ 64.000 tấn gạo và đảm bảo sẽ không xảy ra biến động về giá trong tình hình khô hạn hiện nay. Ngoài ra, tỉnh Long An đang dự trữ 600.000 tấn gạo nên trong trường hợp cần thiết, tỉnh Long An điều phối gạo cho thị trường TP.

Xếp hạng PAPI 2015, TP.HCM có 5/6 chỉ số thành phần giảm điểm so với năm 2014: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở (xếp hạng 57/63 tỉnh, thành); công khai, minh bạch (32/63); trách nhiệm giải trình với người dân (58/63); kiểm soát tham nhũng trong khu vực dịch vụ công (55/63); cung ứng dịch vụ công (7/63). Chỉ duy nhất chỉ số thủ tục hành chính công là không giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm