Chủ tịch UBND TP.HCM: Chấn chỉnh quyết liệt xây dựng sai phép

Chiều 7-12, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM, nhiều đại biểu đã đề cập đến những vấn đề lớn của TP như quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng diễn ra trong thời gian gần đây, hay những băn khoăn về thu nhập tăng thêm.

Gặp vướng khi xem xét công nhận sở hữu công trình tạm

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho rằng xét trên thực tế tại địa phương ông, một trong những lý do khiến người dân xây dựng trái phép, không phép là vì đất của họ đang bị quy hoạch. “Trách nhiệm của chúng ta là giữ quy hoạch nhưng chúng ta chưa tổ chức thực hiện quy hoạch đó thì ảnh hưởng đến người dân rất nhiều. Lần nữa, tôi kiến nghị có nghiên cứu quy định để người dân được xây dựng tạm trên đất quy hoạch” - ông Hiếu nói.

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu nói tại phiên thảo luận. Ảnh: LÊ THOA

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, khẳng định bất cập mà ông Lê Trương Hải Hiếu nêu là có thật. Theo ông Thắng, việc quy hoạch công viên, đường giao thông, trường học mà không đủ nguồn lực thực hiện khiến người dân bức xúc, đòi hỏi phải sớm thực hiện để người dân được đảm bảo các quyền của mình.

“Thực tế có câu chuyện đan xen là mình phải giữ quy hoạch để tổ chức thực hiện, mà thực tế các công trình công cộng phục vụ người dân nhưng không đủ kinh phí nên phải giữ thời gian quy hoạch dài, xung đột với quyền lợi người dân” - ông Thắng nói.
Ông cho rằng đối với trường hợp nhà nước chưa tổ chức thực hiện quy hoạch thì có thể cho người dân thực hiện quyền này. “Nhưng người dân đặt vấn đề rằng: Tôi làm công trình tạm rồi thì phải chứng nhận sở hữu công trình đó vì tiền người dân bỏ ra từng đồng phải được ghi nhận… Vì vậy, vừa rồi có kiến nghị Sở TN&MT xem xét công nhận sở hữu công trình tạm. Nhưng quy định của pháp luật chưa đề cập nội dung đó” - ông Thắng nói và cho rằng bất cập về vấn đề quy hoạch và quyền lợi về đất của người dân đang ngày càng nóng lên. Làm sao phải giải quyết nhu cầu ở có thật của người dân đối với đất của người dân bị vướng quy hoạch công trình công cộng.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trọng Trí (quận 8) cho rằng tình hình vi phạm trật tự xây dựng còn cao, nhiều nơi vẫn còn phức tạp. Một trong những nguyên nhân là do việc triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch không nghiêm, nên cứ xảy ra tình trạng các đầu nậu tự phân lô, bán nền cho dân mà chủ yếu là dân nghèo, việc này xử lý rất khó.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giải trình. Ảnh: TÁ LÂM

Chia sẻ với các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định vi phạm trật tự xây dựng không phải chỉ xảy ra năm 2019, mà đã tiếp diễn nhiều năm qua. “Nhưng năm nay trước thông tin báo chí và người dân phản ánh, thấy rằng cần phải được chấn chỉnh quyết liệt” - ông Phong nói.

Theo ông Phong, vừa qua các địa phương như huyện Bình Chánh, Củ Chi, quận Thủ Đức mới kiểm tra sơ bộ nhưng tựu trung lại đều là những vi phạm. “Vụ 111 biệt thự sai phép ở quận 7, tôi đã cho thanh tra toàn bộ sự việc này thì có rất nhiều cái làm không đúng, sự phối hợp giữa các ngành không chặt chẽ dẫn đến những sai sót trong thực tế. Cũng phải tính toán xem 111 biệt thự này mới xong phần thô, tiếp theo sẽ xử lý như thế nào để không làm tổn hại của cải xã hội mà vẫn chấn chỉnh được các sai phạm” - ông Phong lý giải.
Nhiều tâm tư về thu nhập tăng thêm
Liên quan đến thu nhập tăng thêm, bà Nguyễn Thị Việt Tú (đại biểu quận Bình Thạnh) cho rằng bà không thuộc đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND TP nhưng hiện nay có nhiều người tâm tư.

Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: TÁ LÂM

Theo bà Tú, điều khiến họ tâm tư chính là quy định UBND TP về sửa đổi, bổ sung cách đánh giá, phân loại cán bộ, trong đó áp dụng nguyên tắc “tỉ lệ mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 50% số lượng lãnh đạo của cơ quan, đơn vị” đối với những người đang được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định.

“Vì ai cũng biết con tàu muốn đi đến nơi đến đích an toàn bắt buộc phải có thuyền trưởng giỏi, đó là đội ngũ lãnh đạo, quản lý của chúng ta. Quy định này giống như chúng ta chưa ghi nhận công sức của cán bộ quản lý, gây tâm tư cho cán bộ quản lý, ảnh hưởng chất lượng công việc trong thời gian tới” - bà Tú nói và cho rằng chúng ta có thể xem xét một đơn vị thì có 20%-30% tỉ lệ xuất sắc, chứ không nên xét trên số cán bộ quản lý, như vậy không công bằng.
Ông Trần Thanh Trí (đại biểu quận 12) cũng cho rằng ông cũng không được hưởng thu nhập tăng thêm dù ông có thâm niên làm việc gần 20 năm. “Một số cán bộ, công nhân viên rất ray rứt, buồn vì đã công tác nhiều năm, phục vụ cho TP, cho đơn vị là một cơ quan lớn dưới dự lãnh đạo của UBND TP, Thành ủy, thậm chí có người sắp về hưu mà không được hưởng, trong khi có cán bộ mới vào thì được hưởng thu nhập tăng thêm” - ông Trí nói.
Bà Đinh Thị Thanh Thủy (quận Bình Thạnh) cũng cho rằng cần kiến nghị UBND TP khảo sát, xem xét kỹ lại về vấn đề thu nhập tăng thêm. 
Về việc này, trong phiên thảo luận hội trường ngày 8-12, lãnh đạo UBND TP sẽ có giải trình.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.