Chủ tịch TP.HCM: Vụ 'Xin Chào' ảnh hưởng môi trường đầu tư ghê gớm

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP.HCM đạt hạng 6 trên cả nước, tụt hai hạng so với năm 2014 (năm 2014 xếp hạng 4 - PV). Trong đó, nhiều chỉ số thành phần tụt giảm nghiêm trọng.

“Thảm hại nhất là chỉ số về tính minh bạch tụt từ thứ 4 xuống thứ 17; Chỉ số về chi phí không chính thức từ thứ 42 tăng lên thứ 54” - ông Phong bức xúc.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói: "Vụ việc ở Bình Chánh (quán Xin Chào – PV) vừa qua tác động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh ghê gớm, trong khi TP đang tập trung tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư làm ăn kinh doanh”.

Trong khi đó, các chỉ số tăng lại tăng không đáng kể, chỉ 1-2 điểm. Chỉ riêng chỉ số về cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp thì trụ hạng, không giảm cũng không tăng.

“Đà Nẵng đã ba năm liền trụ vững ở vị trí số một. Một số tỉnh, thành thì có sự bứt phá vươn lên rất rõ như Đồng Tháp. Dĩ nhiên là quy mô, số lượng doanh nghiệp và đặc điểm tình hình của TP.HCM có khác so với các tỉnh nhưng kết quả này khiến chúng ta phải suuy nghĩ” - ông Phong trăn trở.

Về chỉ số quản trị hành chính công PAPI, theo báo cáo, TP.HCM có 5/6 nội dung, chỉ tiêu giảm điểm so với năm 2014, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành.

Cụ thể, sự tham gia của người dân ở cơ sở giảm, đứng thứ 57/63 tỉnh, thành; chỉ số về công khai minh bạch giảm, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành; chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân giảm, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành; chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực dịch vụ công giảm, đứng thứ 55/63 tỉnh, thành; chỉ số cung ứng dịch vụ công giảm, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành. Chỉ duy nhất chỉ số thủ tục hành chính công là không giảm.

Ông Phong cho rằng chỉ số PAPI của TP.HCM xếp  thứ 47/63 là "nhức nhối lắm". Ông yêu cầu những người đứng đầu các đơn vị phải biết bức xúc trước những chỉ số đó. Ông Phong cũng yêu cầu các đại biểu phải thảo luận, đánh giá và đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề chưa đạt.

“Phải tạo quyết tâm, sự quyết tâm ở đây không phải mang tính hình thức đâu. Chúng ta sẽ làm việc cụ thể với VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhưng tôi cho đây là những chỉ số cảnh báo xem chúng ta tập trung xây dựng môi trường đầu tư như thế nào. Vụ việc ở Bình Chánh (quán Xin Chào – PV) vừa qua nó tác động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh ghê gớm, trong khi TP đang tập trung tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư làm ăn kinh doanh” - ông Phong nói.

Vậy nên TP.HCM thời gian tới phải tập trung mọi giải pháp để cải thiện, nhất là về tạo môi trường đầu tư kinh doanh.

Hiện tại các đại biểu đang thảo luận giải pháp.

Lý giải về việc giảm các chỉ số, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cho hay về vấn đề công khai, minh bạch các thủ tục thì TP đều làm và đã làm khá tốt. Tuy nhiên, khi VCCI đặt câu hỏi cho người dân và doanh nghiệp thì đều nhận được câu trả lời là chưa tốt.

“Cần phải nhìn nhận lại vì rõ ràng là TP đã làm được rất nhiều việc tốt nhưng người dân vẫn chưa hài lòng, doanh nghiệp thì vẫn chưa thấm. Vấn đề quan trọng là phải xem lại trong bộ máy của từng cơ quan, đơn vị, xem lại mối quan hệ giữa cán bộ và người dân” - ông Hoan nói.

Chánh Văn phòng UBND TP cho rằng hiện nay TP đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý và giải quyết nhiều vấn đề thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, người dân vẫn thích tiếp xúc với cán bộ, vẫn muốn cán bộ hướng dẫn, giải thích tận tình vì trên mạng không phải ai cũng có thể biết hết được.

“Người dân rất cần chúng ta. Phải chăng là chính cán bộ chưa sát với dân là điểm mấu chốt của vấn đề? Tôi có cảm giác là thái độ giao tiếp với dân còn chưa ổn, còn tư duy xin – cho. Dân xin cái gì cho cái đó, hỏi gì nói nấy mà chưa chủ động để tư vấn cho người dân nhiều hướng giải quyết vấn đề để người dân yên tâm lựa chọn. Do đó, nên chăng cần xem lại đội ngũ cán bộ của từng cơ quan, đơn vị, phải xem cán bộ có làm đúng chức trách nhiệm vụ hay không, có hướng dẫn tận tình cho dân hay không chứ đừng chủ quan có công nghệ công khai thì giải quyết hết mọi vấn đề”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng nêu một thực tế, ngay trong từng cơ quan cũng có những mối quan hệ dích dắc, không rõ ràng, một việc người dân đến nhưng có rất nhiều bộ phận cùng giải quyết. Ngay cả Văn phòng UBND TP cũng vậy, một việc đến thôi nhưng tới 3-4 phòng cùng làm, ai xử lý cũng được và cuối cùng không ai giải quyết. “Nội bộ từng cơ quan phải xem xét lại nếu không là chỗ nào cũng có quyền nhưng không có trách nhiệm, đồng thời phải giáo dục cán bộ có tâm, có tầm”, ông Hoan đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm