Chủ tịch TP.HCM viếng lăng Tả quân Lê Văn Duyệt

Tại Đền thờ Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM), Chủ tịch Nguyễn Thành Phong dâng hương trước tượng Hưng Đạo Vương.
Đến viếng Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP.HCM), ông Nguyễn Thành Phong dâng hương, thăm phần mộ ông bà Lê Văn Duyệt tưởng nhớ công đức người xưa. Đồng thời, nghe giới thiệu về kiến trúc của công trình di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nghe dưới thiệu về lăng. Ảnh: TÁ LÂM

Đây là nơi chôn cất mộ phần, thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân Đỗ Thị Phẫn ở Bà Chiểu (người dân TP.HCM quen gọi Lăng Ông Bà Chiểu).

Trước năm 1975, hình ảnh cổng Tam quan với hai cây thốt nốt của Lăng Ông từng được chọn là biểu tượng của Sài Gòn (và miền Nam) cùng với tháp Phước Duyên của chùa Thiên Mụ (biểu tượng cho Huế và miền Trung), chùa Một Cột - chùa Diên Hựu (biểu tượng cho Hà Nội và miền Bắc).

Lăng Ông rộng 18.500 m2, nằm giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức, Vũ Tùng trên gò đất cao sát bên chợ Bà Chiểu.

Xung quanh khu lăng có bức tường bao bọc dài 500 m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, được xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây mở ra đường Vũ Tùng. Kiến trúc lăng mộ từ cổng Tam quan vào gồm: nhà bia - lăng mộ - miếu thờ.

Mộ phần Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân Đỗ Thị Phẫn. Toàn thể khu mộ đều được xây bằng hợp chất ô dước. Hai ngôi mộ đặt song song và được cấu tạo giống nhau, có hình dạng như nửa quả trứng úp trên bệ lớn hình chữ nhật. Trước mộ có một sân nhỏ để làm lễ.

Ngày 6-12-1989, toàn bộ khu lăng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

Đây là nơi nhiều du khách đến tham quan, nhất là thu hút phần đông sinh viên đến vẻ kiến trúc.

Ông Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu thắp hương tại mộ ông bà Lê Văn Duyệt . Ảnh: TÁ LÂM

Trước thời điểm giao thừa, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng đoàn đại biểu TP.HCM cũng đã đến viếng Bia liệt sĩ Bình Trưng và Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc (quận 2, TP.HCM).

Trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc (từ ngày 27-4-1975 đến ngày 30-4-1975), 52 chiến sĩ đã hy sinh. Ông Nguyễn Thành Phong mặc niệm, dâng hương tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm