Chủ tịch TP.HCM nói về tổ chức bộ máy, nhân sự TP Thủ Đức

Ngày 7-2-2021, bộ máy của TP Thủ Đức sẽ chính thức được thành lập và trải qua ba giai đoạn để hoàn thiện. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói như thế tại lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, sáng 31-12.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: TÁ LÂM

Theo ông Phong, việc triển khai nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức sẽ được làm quyết liệt trong tháng 1-2021 để tạo sự chuyển động mạnh mẽ. Đến ngày 7-2-2021, bộ máy của TP Thủ Đức chính thức được thành lập.

Ông Phong cho hay vấn đề trước mắt hiện nay là ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự khi tiến hành sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, cùng người dân và doanh nghiệp.
Về lâu dài, sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới đưa TP Thủ Đức trở thành “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP.HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng.
Về lộ trình thực hiện, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết sẽ tập trung 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ 1-1 đến 7-2-2021), sẽ hoàn thành việc sắp xếp, bàn giao, ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất của các tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tại các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp. Đến ngày 7-2-2021, toàn bộ hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở TP Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức đi vào hoạt động.
Đồng thời, ban hành các quyết định thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử.
Giai đoạn 2 (từ 7-2 đến 23-5-2021), tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng thời, triển khai thực hiện các hướng dẫn của sở, ngành trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hội, kinh doanh cho cá nhân và tổ chức. “Sẽ không thu các loại lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính” – ông Phong khẳng định.
Giai đoạn 3 (sau ngày 23-5-2021), các cơ quan chức năng của TP.HCM và TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy các cơ quan sau bầu cử. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để hoạt động của chính quyền TP Thủ Đức đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả cao nhất.

Lãnh đạo TP.HCM nhận Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Về kế hoạch đầu tư, ông Phong cho biết đối với phát triển hạ tầng đô thị sẽ tập trung lập quy hoạch tổng thể TP Thủ Đức, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển theo định hướng phát huy vai trò của các cực tăng trưởng trọng yếu của TP Thủ Đức; lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 các trung tâm đổi mới sáng tạo, các khu vực phát triển trọng điểm.

Trong đó, sẽ tập trung triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm chức năng để thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức, nâng cao đời sống người dân. Trong đó đáng chú ý là trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam, khu đô thị cảng Trường Thọ.
Đối với phát triển hạ tầng giao thông, sẽ nghiên cứu giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông đến năm 2040; mở rộng mạng lưới giao thông tuyến đường sắt đô thị số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Nơi đây cũng sẽ tăng cường mảng xanh (khoảng 1 triệu cây xanh) tại các công viên, các tuyến đường để TP Thủ Đức có thể trở thành một hình mẫu về phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường của TP.HCM.
Bên cạnh đó, TP sẽ nỗ lực làm cho môi trường sống của TP Thủ Đức tốt hơn thông qua xây dựng và triển khai một số chương trình, đề án trọng tâm, như đề án xây dựng TP Thủ Đức thông minh, đề án phát triển công trình công cộng và kinh tế dịch vụ ven sông…
Ngoài ra, TP sẽ nghiên cứu xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức để trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
TP Thủ Đức sẽ là TP đáng sống bậc nhất Việt Nam
TP Thủ Đức sẽ là TP đáng sống bậc nhất Việt Nam
(PLO)- "Trong khoảng 10 năm tới, TP Thủ Đức có thể tạo ra giá trị gia tăng bằng 1/3 của TP.HCM, khoảng 7% GDP của Việt Nam, là nền kinh tế lớn thứ 3 sau TP.HCM và Hà Nội" - ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.