Chủ tịch Quốc hội: Sẽ tổ chức tưởng niệm đồng bào mất do COVID-19

Sáng 11-11, phát biểu kết luận phiên chất vấn, trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB &XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc tổ chức tưởng niệm cho các nạn nhân tử vong vì Covid-19.

Theo Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chủ trương giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TP.HCM, các địa phương có liên quan tổ chức tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ hy sinh do đại dịch ở TP.HCM, các tỉnh phía Nam bằng hình thức trực tuyến kết nối với một số tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP

“Đây là vấn đề mà một số ĐBQH đã quan tâm, đề xuất trong phiên họp này. Đề nghị Chính phủ, trực tiếp  là Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với MTTQ, TP.HCM và các địa phương để tổ chức thật tốt việc tưởng niệm” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có 10 phút giải đáp các chất vấn của các đại biểu về lĩnh vực lao động, việc làm đặc biệt là chính sách với người lao động hồi hương do ảnh hưởng của đại dịch.

Theo ông Đam đại dịch đã làm bộc lộ nhiều vấn đề, trong đó có những cái đã tồn tại từ lâu như ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, đào tạo nghề… “Chính phủ đã bàn về nguyên tắc, tới đây chắc sẽ có chương trình báo cáo QH, với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vấn đề này” - Phó Thủ tướng nói.

Về giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần phân loại 1,3 triệu người lao động dịch chuyển để có giải pháp phù hợp. Trong đó có lao động có hợp đồng làm việc ở các doanh nghiệp lớn, các Khu công nghiệp, Khu chế xuất ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

“Hầu hết các loa động này vẫn được trả một phần lương khi nghỉ dịch nên việc trở lại làm việc có khả quan” - ông nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó là người lao động ở các doanh nghiệp nhỏ, có tính thời vụ, hoặc lao động tự do… thì khó nắm bắt, không biết khi nào quay lại. 

Theo ông, có 2 vấn đề lớn cần giải quyết. Thứ nhất là phải kiểm soát dịch cho tốt vì vấn đề người lao động sợ nhất là quay lại rồi lại dịch, lại phải tìm cách đối phó, trở về nhà. Thực tế qua đợt dịch thấy đời sống những người kẹt lại rất khổ. Thứ hai là phải mở lại trường học thì con trẻ mới có chỗ trông để bố mẹ đi làm. 

Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như chỗ ở, chỗ trọ, đảm bảo được trả lương, đảm bảo hợp đồng lao động trong trường hợp dịch bùng phát trở lại. Cùng đó là áp dụng quy định phòng dịch trong doanh nghiệp một cách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động; chủ động lo vaccine phòng bệnh cho người lao động, bố trí đón người lao động trở lại…

Theo Phó Thủ tướng, về lâu dài, trước sức ép tăng trưởng, các địa phương phải tìm cách thu hút lao động về như một lợi thế cạnh tranh. Nhưng thực tế, có những khu vực công nhân tập trung quá đông. Những nơi có ký túc xá, đời sống người dân đỡ hơn nhưng những khu nhà trọ trong dân, đời sống rất khó khăn. Phòng trọ nhiều nơi chỉ vài mét vuông, hầu hết người lao động thuê chung, ở chung. Có những gia đình cả vợ chồng, con cái, rồi mẹ già lên trông con cùng ở. 

“Tới đây chúng ta phải xây dựng chương trình, không chỉ xây dựng nhà ở mà phải xem xét từng bước để cơ cấu lại sản xuất và lao động. Phải chấp nhận từ bỏ dần lao động giá rẻ, đi vào chỗ có giá trị gia tăng cao hơn…” - Phó Thủ tướng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm