Chủ tịch Quốc hội: 'Hai anh khỏe nhập lại thành anh yếu thì chết'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-9, tiếp tục phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương báo cáo của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

4 nội dung giám sát

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay đoàn giám sát dự kiến tập trung vào bốn nội dung. Thứ nhất, tình hình thực hiện chủ trương; kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: quochoi.vn

Thứ hai, đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ ba, giám sát việc đánh giá tính hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương và tính hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước cũng như việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Thứ tư, các bài học kinh nghiệm, cách làm hay, có hiệu quả trong việc xây dựng, lựa chọn phương án sắp xếp đơn vị hành chính, vận động, thuyết phục nhân dân đồng thuận với phương án sắp xếp, lựa chọn tên gọi của đơn vị hành chính; các kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện phương án sắp xếp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết giai đoạn vừa qua có 45 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Kết quả, đã giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 591 đơn vị hành chính cấp xã cả giai đoạn.

Tháng 8 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có báo cáo tổng kết, đánh giá về thực hiện Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có điều chỉnh.

“Đây là căn cứ để sắp xếp các đơn vị hành chính từ 2022 trở về sau”- ông Thăng nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nội vụ cũng bày tỏ băn khoăn khi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng có một câu rất quan trọng: “tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nguyên cứu để thực hiện với cấp tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp”. Nhưng Luật Quy hoạch lại bỏ quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp.

Do vậy, ông Thăng cho rằng sắp tới sẽ rất khó trong rà soát, đánh giá, tổng kết…

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định Luật Quy hoạch không có loại quy hoạch đơn vị hành chính nên việc sắp xếp các đơn vị hành chính vẫn cứ làm bình thường không theo Luật Quy hoạch.

Không nghe một chiều

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi giám sát cần quán triệt một số nội dung. Những địa phương nào trong diện sắp xếp cấp huyện, cấp xã, ngoài tiêu chí chính là dân số và diện tích còn có một số tiêu chí về đặc điểm địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống… Trong mọi trường hợp, địa phương phải có đề án nên khi giám sát, không máy móc chỉ dựa vào hai tiêu chí dân số và diện tích.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khi giám sát phải trả lời được hai vấn đề. Thứ nhất, sau sáp nhập thì tinh giản biên chế, tinh giản đầu mối, đi liền với đó là giảm chi phí, ngân sách sách.

“Có nơi nói 'chúng em sắp xếp, tinh giản biên chế, bộ máy tốt lắm’ nhưng cuối năm kiểm tra chi thường xuyên không giảm, hoặc có giảm chút ít. Nhiều nơi khoe này khoe kia, sắp xếp kinh lắm nhưng chi thường xuyên không giảm”- ông Huệ nói và nhấn mạnh kết quả quan trọng của việc sắp xếp, sáp nhập là giảm bao nhiêu biên chế, bao nhiêu đầu mối và tiết kiệm được kinh phí thế nào phải làm rõ.

Từ quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngoài báo cáo của tỉnh, đoàn giám sát phải bám sát số liệu của Bộ Tài chính. “Cứ phải bốn mắt, không nghe một chiều. Phải nghe nhiều cơ quan khác nhau để đảm bảo thông tin khách quan, độc lập”- ông Huệ nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý việc sắp xếp phải đảm bảo tính đồng thuận. Sau khi sắp xếp xong tình hình có ổn định không, tư tưởng có thông không, có vấn đề gì phức tạp nảy sinh không?

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh việc sắp xếp các đơn vị hành chính phải nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.

“Chúng ta không chỉ ‘sắp xếp để mà giảm’. Tinh giản, sắp xếp thế nào để cuối cùng phải nâng cao năng lực, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Nếu hai anh yếu nhập lại thành một anh yếu thì cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Hay một anh mạnh, một anh yếu nhập thành một anh yếu toàn thân thì cũng không đạt. Thậm chí hai anh khỏe nhập lại thành anh yếu thì chết”- Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đánh giá các chỉ số về cải cách hành chính, về năng lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, chỉ số hài lòng của người dân.

“Đó mới là điều quan trọng chứ không phải chúng ta làm động tác ra nghị quyết nhập tách, tách nhập”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm