Chủ tịch Quốc hội: Cần tăng tỉ lệ ĐBQH ngoài Đảng

“Mừng là vì kỳ này đã giảm được tỷ lệ ĐBQH ở khối hành pháp, tăng đại biểu chuyên trách ở trung ương. Khối hành pháp không cần nhiều ĐB vì thực tế rất ít có bộ trưởng ở khối hành pháp dự hết được phiên họp do bận”. Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khóa XV sáng 4-2.

Ông Thường cũng đồng ý tăng ĐBQH chuyên trách để thực hiện đúng vai trò tối cao của Quốc hội.

Khối mặt trận trúng cử ít

Ông Thường nói mấy kỳ bầu cử gần đây, ĐBQH khối mặt trận trúng cử ít, không đạt số lượng được phân bổ. Ông đề nghị tăng số ĐBQH của khối mặt trận lên cả về cơ cấu “cứng” và “mềm”.

Ông Thường cũng cho rằng, nếu trừ cơ cấu cứng của mặt trận Trung ương thì số lượng còn lại của các tổ chức thành viên không nhiều, nhất là đại biểu thuộc lĩnh vực giáo dục, khoa học không nhiều, trong khi đó là lĩnh vực luôn nóng, xã hội luôn quan tâm.

Ông Lê Truyền, ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đồng tình phải tăng số lượng ĐBQH cho khối mặt trận, dân vận để làm tốt nhiệm vụ phát huy khối đại đoàn kết dân tộc. Thận trọng hơn, GS Nguyễn Lân Dũng nói cần phải “tính toán lại” số ĐBQH khối mặt trận vì MTTQ ngày càng có nhiều tổ chức thành viên.

Thậm chí, GS Dũng còn nói tỷ lệ ĐBQH của các tổ chức khoa học, giáo dục, đào tạo chỉ 6 người (1,2%) là quá thấp, không thể chấp nhận trong bối cảnh “chúng ta luôn khẳng định coi khoa học, giáo dục là quốc sách”.

Tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng quá thấp

GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng: “Tỷ lệ ĐB ngoài Đảng quá thấp, ít nhất nên 10% thay vì 5% như hiện nay”.

Ông Lù Văn Que đồng tình với nhận định này, đồng thời nói: “Người tài đức ngoài Đảng rất nhiều, cần tăng tỷ lệ lên. Đó cũng là mong muốn của nhân dân. Tỷ lệ 5-10% là quá thấp. Quốc hội không nên là hội nghị của đảng viên”.

Về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình và cho rằng: Cần tăng thêm tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng. Tuy nhiên, một thông tin thú vị mà Chủ tịch Quốc hội cung cấp là đa phần ĐBQH ngoài Đảng đều được kết nạp vào cuối kỳ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, vì QH chỉ có 500 ĐBQH nên cần phải tính toán từng trường hợp vì lĩnh vực nào cũng muốn có đại diện tham gia. Qua ý kiến của Đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, UB Thường vụ Quốc hội, UB bầu cử Quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, tính toán.

“Không phải đã đưa ra dự kiến là giữ nguyên”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói và “hứa” sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh tăng thêm cho khối mặt trận một ĐBQH.

Đồng thời, tỷ lệ ĐBQH là đại biểu dân tộc thiểu số, bảo đảm ít nhất chiếm 18% cũng được quan tâm. Lần này, theo Chủ tịch Quốc hội, cần chú ý đến dân tộc chưa từng có người ứng cử ĐBQH.

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: sau khi thống nhất được cơ cấu, thành phần thì mới giới thiệu những con người cụ thể để ứng cử ĐBQH.

Số lượng Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm ĐBQH cũng nên giảm

Ông Lê Mã Lương đề nghị tăng số ĐBQH của các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội lên. Đồng thời, tăng thêm ĐBQH cho một số bộ ngành, nhất là những “đồng chí có tầm, tâm, chuyên gia trong một lĩnh vực, thực sự đại diện được cho cử tri cả nước".

"Hiện chúng ta có 18 Bộ trưởng, hầu hết tham gia Quốc hội, không cần thiết, nên giảm xuống. Số lượng dự kiến 12-14 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia Quốc hội cũng nên giảm xuống”, ông Lê Mã Lương nói.

PGS Trần Đình Thiên thì đề nghị tăng số lượng ĐBQH là doanh nhân, các nhà khoa học, giáo dục, các nhà đối ngoại hội nhập vì đó là những lĩnh vực đột phá. Theo ông Thiên, tới đây là kinh tế trí thức, hội nhập sâu rộng, vì thế những người làm luật phải là những người nằm ở trong các lĩnh vực này.

PSG Thiên cũng đề nghị tăng ĐBQH trẻ lên vì thanh niên sẽ là lực lượng tiên phong trong các lĩnh vực cần sự đột phá trong nhiệm kỳ này. “Đất nước đang trong bối cảnh mới, cơ cấu, thành phần ĐBQH cũng phải thay đổi”. TS Thiên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm