Chủ tịch Phú Yên giải thích lý do chưa nâng mức độ giãn cách xã hội

Trong cuộc trao đổi với PLO, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chia sẻ: “Nếu không thực hiện tốt công tác kiểm soát trong khu cách ly, khu vực phong tỏa mà vội vàng nâng cấp thành cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 trên diện rộng thì cũng thiếu hiệu quả.

Bởi nếu một diện hẹp, một đơn vị nhỏ, một khu vực nhỏ mà xử lý chưa tốt thì thực hiện trên một đơn vị lớn chưa chắc có tác dụng. Vì vậy chúng tôi đang cố gắng xử lý từng vấn đề”.

Cuộc trao đổi giữa PLO với ông Trần Hữu Thế diễn ra khi số ca mắc COVID-19 ở Phú Yên vẫn liên tục tăng cao. Sau 20 ngày kể từ khi xuất hiện trường hợp dương tính đầu tiên, đến sáng 12-7 tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 557 ca nhiễm SARS-CoV-2. Dịch đã lây lan ra 9/9 huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh này.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (bìa trái) kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại huyện Sông Hinh. Ảnh: MỸ LUẬN

Tập trung kiểm soát khu cách ly, khu vực phong tỏa

. Nhiều ý kiến lo lắng, thắc mắc vì sao số ca mắc COVID-19 ở Phú Yên liên tục tăng cao nhưng UBND tỉnh chưa nâng mức độ giãn cách xã hội như thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ?

+ Ông Trần Hữu Thế: Một số ý kiến cho rằng Phú Yên cần thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, hiện những ca nhiễm mới phát sinh chủ yếu vẫn nằm trong khu cách ly tập trung (tức các trường hợp F1), trong các khu phong tỏa (tức các trường hợp F2) mà thành F0. Các ca mắc ở ngoài cộng đồng tương đối ít.

Vì vậy vấn đề chính của chúng tôi hiện nay là cần tập trung kiểm tra, rà soát kỹ việc thực hiện giãn cách trong các khu phong tỏa và thực hiện cách ly trong các khu cách ly tập trung. Qua đó, bảo đảm tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung. Còn trong các khu phong tỏa thì phải thực hiện đúng chỉ thị, yêu cầu về phong tỏa.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (bìa phải) kiểm tra thực tế công tác phòng chống dịch tại TP Tuy Hòa. Ảnh: MỸ LUẬN

Đồng thời, chúng tôi yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp cung ứng hậu cần để người dân không gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu khi phong tỏa. Qua đó, tránh lây nhiễm nếu tổ chức cung ứng hậu cần không tốt. Trên biểu đồ dịch tễ có phát sinh các ca mới phát sinh, chúng tôi đang tập trung xử lý những việc này.

Trước mắt chưa đến mức cần thiết để nâng cấp việc giãn cách xã hội đối với những địa bàn còn lại không phát sinh ca dịch. Nếu phát sinh tình huống thì hiện nay chúng tôi vẫn cho hai hình thức test. Thứ nhất là test nhanh để phát hiện nhanh các nhóm. Thứ hai là quét cộng đồng, xét nghiệm PCR diện rộng.

Chúng tôi đi theo phương pháp “xanh hóa” chứ không đi theo hướng “đỏ hóa” từng khu vực. Trong quá trình xử lý, khi có phát sinh trường hợp nào chúng tôi tập trung xử lý gọn trường hợp đó chứ không để lây lan. Tức đi theo hướng đánh chắc, gọn.

Chuyên trách hóa việc lấy mẫu xét nghiệm

.Tại cuộc làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế, nhiều ý kiến cho rằng công tác lấy mẫu xét nghiệm, truy vết của Phú Yên chậm khiến việc ngăn chăn dịch lây lan chưa hiệu quả. Hiện nay, tỉnh rút ra những kinh nghiệm gì và chỉ đạo thực hiện những biện pháp quyết liệt nào để có thể sớm kiềm chế, khống chế dịch lây lan?

+ Đúng là thời gian đầu, chúng tôi có một số lúng túng. Chúng tôi đã thành lập các tổ cộng đồng, tổ lấy mẫu nhưng các thành phần trong tổ cộng đồng này uy lực đối với người dân chưa cao.

Do đó các lực lượng y tế là chủ đạo, còn các lực lượng xã hội khác tham gia chủ yếu vận động xã hội. Chứ nghiệp vụ liên quan đến truy vết thì lực lượng công an có năng lực, kinh nghiệm hơn, làm tốt hơn. Trong thời gian đầu, cấu trúc của các tổ cộng đồng, tổ lấy mẫu chưa hợp lý nên quá trình truy vết có chậm.

Lấy mẫu test nhanh trên diện rộng tại TP Tuy Hòa. Ảnh: TẤN LỘC

Hiện nay, chúng tôi yêu cầu làm chuyên trách hơn. Tỉnh đã thành lập tiểu ban xét nghiệm- lấy mẫu, thành lập các tổ lấy mẫu, các điểm xét nghiệm tại cộng đồng. Những tổ lấy mẫu đó được tính theo đầu người hành chính, cơ cấu người phù hợp hơn, ai làm chuyên môn, ai làm công tác truy vết, phân công rõ ràng hơn, hợp lý hơn, bám sát thực tế hơn. Từ đó công tác lấy mẫu ngày càng đi vào cụ thể, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ công tác lấy mẫu, chuyển giao mẫu để đảm bảo việc xét nghiệm diễn ra nhanh hơn. Việc này tránh tình trạng mẫu bị nhầm lẫn, viết mẫu không thống nhất hay không thống nhất về mã khiến công tác phân loại của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, BV Đa khoa Phú Yên bị chậm.

Ngoài ra, ban đầu anh em sử dụng máy chưa quen tay nhưng đến nay nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đơn vị Trung ương như Bộ Y tế, Viện Pasteur, Trường Đại học Y Huế, Hội Thầy thuốc trẻ… năng lực vận hành, thực hiện công việc của các bác sĩ ở Phú Yên đã được nâng lên.

Mặt khác, trước đây chúng tôi chạy theo sự việc, hễ thấy phát sinh chỗ nào thì đến lấy mẫu chỗ đó. Bây giờ, với việc thành lập tiểu ban xét nghiệm - lấy mẫu, chúng tôi yêu cầu tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm theo kế hoạch đã xây dựng trước đó.

Việc lấy mẫu phải được xác định cụ thể là lấy mẫu ở mức nào, lấy tới đâu, lấy lúc nào, lấy như thế nào, trả mẫu như thế nào… Việc lấy mẫu vừa dựa trên diễn biến tình hình vừa dựa trên năng lực thực tế của đơn vị lấy mẫu để tránh việc lấy mẫu bị tồn hay trả mẫu chậm, làm cho việc đánh giá diễn biến tình hình không được tốt.

Chúng tôi đã thành lập đơn vị chuyên đi kiểm tra việc thực hiện công tác cách ly trong các khu cách ly hay việc thực hiện giãn cách xã hội cũng như trong các khu phong tỏa để kịp thời chấn chỉnh tình hình một số nơi thực hiện chưa nghiêm việc này.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo ngành Công Thương hình thành cơ cấu, cấu trúc để cung ứng hậu cần cho các khu vực phong tỏa và trong điều kiện giãn cách xã hội như hiện nay cho tốt hơn; đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy để tình hình ngày một tiến triển tốt hơn.

Phong tỏa khu vực có ca mắc COVID-19 ở TP Tuy Hòa. Ảnh: MỸ LUẬN

. Phú Yên đang cần hỗ trợ như thế nào để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn?

+ Điều chúng tôi đang cần nhất và đã đề nghị Trung ương hỗ trợ là khâu điều trị. Hiện nay số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 ở Phú Yên đang lớn. Vì vậy, việc điều trị là hết sức cấp thiết.

Chúng tôi đã xin ý kiến trực tiếp từ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Sở Y tế Phú Yên cũng cho xin ý kiến Bộ Y tế đề nghị Trung ương hỗ trợ công tác điều trị.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm máy lọc máu, máy thở, trang thiết bị liên quan điều trị để công tác điều trị tốt hơn.

Hiện Trường Đại học Y Hà Nội đã cử năm bác sĩ vào Phú Yên hỗ trợ công tác điều trị và hỗ trợ thêm máy lọc máu.

Cung cấp cho người dân thông tin thiết thực nhất

Hiện nay, chúng tôi đã thúc đẩy công tác tuyên truyền sâu hơn, cung cấp những thông tin thiết thực nhất cho người dân. Chúng tôi xác định muốn phòng chống dịch hiệu quả, điều căn cơ là người dân tự ý thức trong việc tự phòng dịch. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân tự phòng dịch, tự ngăn ngừa vẫn là yếu tố then chốt.

Làm sao để người dân thấy hiện tượng những cá nhân, tổ chức nào đó thực hiện chưa nghiêm thì có thể phản ánh với các cơ quan chức năng. Từ đó kiểm tra, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh trên địa bàn.

Chủ tịch Phú Yên giải thích lý do chưa nâng mức độ giãn cách xã hội ảnh 5
Phú Yên đang đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống COVID-19 đến người dân bằng những thông tin thiết thực nhất. Ảnh: MINH KHÔI

UBND đang giao Sở TT&TT tuyên truyền sâu hơn, mạnh mẽ, cung cấp nhiều hơn các tài liệu cần thiết về phòng chống dịch để cung cấp cho người dân. Từ đó giúp người dân hiểu cần làm gì, ăn uống thế nào để có thể tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa dịch bệnh. Hay vệ sinh như thế nào, cần làm gì để ngăn ngừa lây nhiễm.

Đó là những thứ người dân cần! Không phải chỉ nói suông suông 5K mà phải đi vào những vấn đề cụ thể.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi đã giao cho Sở TT&TT phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT, Bộ Y tế để thực hiện việc khai báo y tế thật sự có hiệu quả. Đó là làm sao sử dụng khai báo y tế như một nhật ký để khi có sự việc xảy ra đối với một người cụ thể thì có thể nắm được ngay lịch trình người đó đã đi qua những đâu, làm những việc gì, gặp gỡ những ai…

Hay khi sử dụng các thiết bị công nghệ có thể xác định được người đó đã test mấy lần, test lúc nào, âm tính hay dương tính...

Điều đó sẽ giúp hiệu quả hơn trong công tác truy vết, giám sát xã hội, thúc đẩy công tác phòng chống dịch ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm