Chủ tịch Phan Văn Mãi: Sau 30-9 TP.HCM từng bước mở cửa hoạt động kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay, 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã, phường, thị trấn.

Vùng xanh, cận xanh đã chiếm hơn 70%

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn tuần qua có dấu hiệu cải thiện khá tích cực, số ca mắc giảm gần 11%.

Trong ba ngày thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tập trung xét nghiệm, TP.HCM đã tiến hành xét nghiệm được 5,5 triệu người, số ca phát hiện ở vùng đỏ giảm còn 0,5% và vùng xanh còn 0,2%.

Từ đó, vùng xanh, vùng cận xanh đã được mở rộng, chiếm 71% toàn Thành phố. Bên cạnh các địa bàn đã kiểm soát được dịch như Cần Giờ, Quận 7, Củ Chi, đến nay đã có các Quận 1, 3, 5, Nhà Bè, Phú Nhuận cơ bản kiểm soát được dịch.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiều xã, phường trên các địa bàn quận, huyện cũng đã cải thiện được tình hình và kiểm soát được dịch.

“Đây là dấu hiệu đáng mừng để có thể cuối tháng 9-2021, thành phố cơ bản kiểm soát được tình hình để từng bước mở rộng các hoạt động”- ông Mãi nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. HCM, tỷ lệ tử vong cũng giảm rất tích cực. Ngày 24-9, con số tử vong là 140 người, ngày 25-9 là 123 người. Ông Mãi cho rằng con số tử vong giảm những ngày qua là một tín hiệu rất đáng mừng.

Các công tác khác như an sinh xã hội cũng được tập trung. “Thành phố rất đông các đối tượng khó khăn. Chúng tôi đã nỗ lực bằng cách huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực từ ngân sách, ngoài ngân sách, đặc biệt là từ nguồn lực xã hội để chăm lo cho các đối tượng này nên đạt được những kết quả rất tốt”- ông Phan Văn Mãi cho biết.

Trưởng ban chỉ đạo ở phường, xã ở TP.HCM rất “thuộc bài”

Nêu lên bài học kinh nghiệm, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trước hết là cả hệ thống chính trị, trực tiếp là các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch từ thành phố đến cơ sở phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thành phố phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, của Bộ Y tế và thống nhất trong Ban Chỉ đạo từ thành phố đến cấp cơ sở, đến từng “pháo đài”.

Kinh nghiệm thứ hai rất quan trọng, theo ông Mãi, là sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là các “pháo đài” xã, phường, thị trấn. “Thủ tướng nhiều lần đã kiểm tra Trưởng ban chỉ đạo ở phường, xã, các đồng chí rất “thuộc bài”, nắm chắc và điều hành công việc rất tốt”- ông Mãi nhận xét.

Cạnh đó, do tình hình dịch ở các địa phương không giống nhau nên sự linh động, linh hoạt ở cấp sơ sở, thích ứng với tình hình là điều đáng hoan nghênh. Thực tế đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình ở cấp cơ sở, TP.HCM đã kịp thời nhận diện và chia sẻ kinh nghiệm trong toàn địa bàn.

Thứ ba là sự phát huy các nguồn lực xã hội, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh tới việc tăng cường nguồn nhân lực từ Trung ương về cho Thành phố, như sự giúp đỡ của Tổ công tác Ban dân vận Trung ương là rất đáng quý. Thành phố xác định những khó khăn ở cơ sở, tập trung giải quyết các khó khăn, từ đó chuyển biến tình hình của địa bàn.

“Nhiều địa bàn khó như quận 8, Bình Tân, với sự giúp đỡ rất trọng tâm này, đã giúp cho địa phương giải quyết được những khó khăn”- ông Mãi cho biết thêm và không quên nhắc tới sự tham gia của các lực lượng xã hội trong vấn đề an sinh, chăm sóc F0, vấn đề oxy…

“Các cá nhân, tổ chức thiện nguyện tham gia rất tốt. Việc phát huy các nguồn lực xã hội rất quan trọng trong phòng chống dịch”- Chủ tịch UBND TP. HCM khẳng định.

Kinh nghiệm thứ tư, theo ông Mãi, là cần tập trung củng cố mô hình điều trị ba tầng, trong đó tập trung cao cho y tế cơ sở với việc hình thành các trạm y tế lưu động, sự tăng cường của quân y … “Đây là việc chúng tôi thấy rất hiệu quả trong thời gian qua, giúp F0 tiếp cận sớm với chăm sóc, điều trị, giảm chuyển nặng, giảm tử vong”- ông Mãi nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. HCM, câu chuyện củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, cũng là trụ cột quan trọng, là điều kiện tiên quyết để thời gian sắp tới, Thành phố có thể nới lỏng và từng bước mở cửa.

“Chúng tôi đang tập trung cho trụ cột y tế này, sẽ củng cố hệ thống y tế, nhất là y tế cơ cở”- ông Mãi khẳng định.

Nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ thứ ba

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia để phấn đầu cuối tháng 9, TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch. Trong đó, Thành phố tập trung xét nghiệm toàn diện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Về vaccine, Thành phố tập trung tiêm ngay những lô vaccine được phân bổ để bảo đảm tiêu chí như hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia. “Về vấn đề vaccine, chúng tôi xin trân trọng kiến nghị Thủ tướng, Bộ Y tế tiếp tục quan tâm, ưu tiên vaccine cho Thành phố cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để bảo đảm việc bao phủ như quy định của Bộ Y tế, để Thành phố có thể sớm mở cửa lại các hoạt động kinh tế”- ông Mãi đề nghị.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng khẳng định sẽ tập trung cho công tác an sinh, đây là vấn đề rất “nóng” của Thành phố. “Mặc dù chúng tôi đã có rất nhiều nỗ lực tuy nhiên số lượng người đông nên cũng cần tập trung hơn nữa. Thành phố vừa ban hành chính sách cho gói hỗ trợ thứ ba và đang rà soát các điều kiện để triển khai ngay trong một, hai ngày tới. Phấn đấu đến cuối tháng này về cơ bản sẽ giải ngân được gói thứ ba”- ông Mãi nói.

Một nhiệm vụ rất quan trọng khác được Chủ tịch UBND TP.HCM nhắc tới là Thành phố đang tập trung xây dựng kế hoạch sau ngày 30-9, để tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát phòng chống dịch cũng như từng bước nới lỏng, mở cửa hoạt động kinh tế.

“Đây là vấn đề rất quan trọng của Thành phố trong giai đoạn hiện nay”- ông Mãi nhấn mạnh.

TP.HCM phải được mở cửa sớm

Liên quan đến quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19 của Bộ Y tế rất khoa học, định hướng cho công tác phòng chống dịch cũng như phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Thành phố sẽ căn cứ vào đây để xây dựng kế hoạch.

Tuy nhiên, TP.HCM có đặc thù do thời gian giãn cách rất dài, tình hình dịch còn phức tạp, nếu Thành phố áp dụng đầy đủ các tiêu chí, chỉ tiêu như hướng dẫn này thì chưa thể đáp ứng ngay được, đặc biệt là từ sau ngày 30-9.

“Do yêu cầu của TP.HCM phải được mở cửa sớm, đặc biệt là các hoạt động sản xuất- kinh doanh, Thành phố kiến nghị Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia cho phép Thành phố có giai đoạn “quá độ”, có những đặc thù trong việc áp dụng hướng dẫn này. Nếu được Thủ tướng cho phép, Thành phố làm việc với các cơ quan chức năng để nghiên cứu và đề xuất những điểm đặc thù, sau đó Thành phố sẽ nỗ lực phấn đấu để thực hiện theo các tiêu chí chung”- ông Mãi nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm