Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đã đàm phán nảy lửa về biển Đông

Tình hình biển Đông tiếp tục là vấn đề nóng được cử tri quận 1 và quận 3 (TP.HCM) nêu ra tại cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu Quốc hội (QH) TP.HCM ngày 29-6.

Cử tri: “Cần ra nghị quyết về biển Đông!”

Tại cuộc tiếp xúc, cả cử tri quận 1 và quận 3 đều mong muốn Đảng và Nhà nước có những bước đi mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) cho rằng việc Trung Quốc (TQ) san lấp và xây dựng bồi đắp đảo nhân tạo tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà TQ đang chiếm đóng phi pháp thể hiện những bước đi nguy hiểm, âm mưu độc chiếm biển Đông. Cử tri Hoàng Xuân Dương (quận 3) đặt vấn đề: Trong hai năm qua, TQ có nhiều hành động trái phép trên biển Đông nhưng QH lại không ra được nghị quyết về biển Đông. Cử tri chúng tôi rất thắc mắc! Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Hoài Nam (quận 1) đề nghị QH cần xem xét ra nghị quyết về biển Đông trong kỳ họp tới đây.

Nói về tình hình của ngư dân trên biển, cử tri Nguyễn Việt Hùng (quận 1) cho rằng những hành động của TQ trên biển Đông đã ảnh hưởng trực tiếp đến bà con ngư dân. Ngư dân phải vay tiền ngân hàng để đóng tàu ra khơi đánh bắt cá hằng ngày trên vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhưng lại phải đối mặt với hiểm nguy, bị TQ phá hỏng phương tiện. Đảng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ bà con ngư dân ra sao?” - cử tri Hùng đặt câu hỏi.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri TP.HCM sáng 29-6. Ảnh: hoàng triều

“Tôi sẽ phản ánh lại để QH xem xét và lên tiếng”

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết trước những hành động của TQ, Việt Nam đều lên tiếng phản đối. Theo đó, tại các hoạt động đối ngoại đa phương - song phương, chúng ta cũng đều đã lên tiếng, kể cả trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc. “Không phải chỉ có phản đối đâu, các cuộc đàm phán cũng nảy lửa với nhau, song phương - đa phương cũng làm rất dữ, không phải đơn giản chỉ là lời nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, mà cả hệ thống chính trị của chúng ta đều làm việc” - Chủ tịch nước cho biết.

Một lần nữa, Chủ tịch nước khẳng định đây là câu chuyện đấu tranh lâu dài, hết sức bền bỉ, kiên quyết và kiên trì. “Cử tri cho rằng QH bày tỏ thái độ như trong thời gian qua là không đủ liều, chúng tôi sẽ phản ánh lại để QH xem xét và lên tiếng” - Chủ tịch nước nói. Chủ tịch nước cũng cho rằng chúng ta phải mạnh về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh và phải nỗ lực tối đa, đó là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Còn đối với việc hỗ trợ ngư dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định đã từ lâu việc chăm lo đời sống cho ngư dân là một trong những trọng tâm lớn của chiến lược phát triển kinh tế biển. “Tôi đã đi thăm một số tỉnh ven biển, số tàu được đóng mới, được cải hóa tăng công suất mỗi năm mỗi tăng. Đây là điều đáng mừng. Chính phủ đã cấp ngân sách mấy ngàn tỉ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu với lãi suất ưu đãi” - Chủ tịch nước cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng khẳng định thủ tục vay cũng còn nhiêu khê. “Tôi đi kiểm tra 3-4 tỉnh, vừa rồi QH cũng đi giám sát nữa, qua một năm đóng mới trên dưới 10 chiếc. Trì trệ lắm, thủ tục chậm chạp như thế dân cũng bức xúc, đại biểu QH cũng bức xúc… cái dở đó phải sửa, khắc phục để tiến lên. Còn tàu bè mà bị TQ hay các nước khác làm thiệt hại đều được giúp đỡ rất kịp thời từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương. Chứ không để ngư dân tự lực tự bơi. Các cô bác, anh chị yên tâm, chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này” - Chủ tịch nước nói.

Có lúc tàu TQ vào sâu cách huyện đảo Lý Sơn chỉ 15-16 hải lý

Báo cáo trong phiên họp trực tuyến với Chính phủ, ngày 29-6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho biết từ đầu năm đến nay đã có 34 tàu với 480 lượt ngư dân tỉnh này bị nước ngoài xua đuổi, trong đó riêng TQ uy hiếp, tấn công 23 tàu với 316 ngư dân. Tính ra bình quân mỗi tháng có bốn tàu bị tấn công.

Về tình hình xâm phạm vùng biển Quảng Ngãi, sáu tháng qua đã có tám lượt tàu hải cảnh, hơn 180 lượt tàu cá TQ xâm phạm. Diễn biến rất đáng lo ngại là số lượng này tăng cao so với cùng kỳ 2014, hơn tới sáu lượt tàu hải cảnh, 140 lượt tàu cá. Trong đó có những trường hợp vào sâu, áp sát huyện đảo Lý Sơn 15-16 hải lý.

Ông Thích cho hay tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn địa điểm để xây dựng đài tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa. Đồng thời tỉnh cũng sẽ trùng tu, xin công nhận một di tích chủ quyền Hoàng Sa, nơi đánh dấu 400 năm trước chúa Nguyễn chiêu mộ dân binh ra Hoàng Sa khai thác sản vật.

“Nợ công mà tăng nữa coi chừng đổ vỡ”

Liên quan đến ý kiến của cử tri yêu cầu QH có giải pháp tăng cường quản lý nợ công, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết có một thực tế nan giải là những năm qua số lượng cán bộ, công chức cứ tăng lên. Chúng ta chi thường xuyên để duy trì bộ máy đã chiếm đến 72% tổng ngân sách nhà nước. Chúng ta đã phải đi vay nợ để bổ sung chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. “Tôi báo động chuyện này để cô bác cử tri cùng góp sức, kể cả phê phán chúng tôi đành phải chịu. Nợ công mà tăng thêm nữa coi chừng đổ vỡ. Rất nguy hiểm” - Chủ tịch nước nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.