Chủ tịch nước: TP.HCM không để khủng hoảng sâu về kinh tế, ảnh hưởng đến dân

Sáng 11-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 10 đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi.

Ngoài Chủ tịch nước, tổ này còn có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự TP, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM.

Cử tri huyện Củ Chi kiến nghị tại buổi tiếp xúc. Ảnh: TÁ LÂM

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Củ Chi đã kiến nghị nhiều vấn đề sau khi TP.HCM chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Cử tri xã Nhuận Đức kiến nghị Trung ương và TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, người lao động phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Hữu Đức, cử tri Thị trấn Củ Chi, bày tỏ băn khoăn về chất lượng học tập của các em nhỏ trong bối cảnh trường học chưa được mở cửa. “Hình thức học online của các cháu sẽ khó đảm bảo đầy đủ kiến thức như có thầy cô kèm cặp trực tiếp” - ông Đức nói và đề nghị lãnh đạo Trung ương và TP.HCM quan tâm hơn đến việc bổ sung các nguồn vaccine để có thể tiêm cho các em nhỏ để các em sớm quay lại trường học.

Cuối tháng 10 tiêm vaccine cho trẻ em

Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đối với 12 ý kiến, kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan chức năng ghi nhận đầy đủ để tập hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ trong kỳ họp sắp tới. Theo ông, những ý kiến của cử tri rất tâm huyết, cụ thể và trách nhiệm vì cái chung với sự phát triển của TP.HCM và đất nước, không ai nói về vấn đề cá nhân, gia đình.

Người đứng đầu Nhà nước ghi nhận những nỗ lực và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi, không chỉ đưa huyện Củ Chi thành “vùng xanh” sớm mà còn giữ được tốc độ phát triển kinh tế khá so với mặt bằng chung của TP.HCM.

TP.HCM là siêu đô thị, đông dân, là thành phố dịch vụ, nhưng với sự lây lan nhanh của đại dịch lần này buộc TP phải tạm ngưng nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh để chống dịch. Do vậy, tăng trưởng kinh tế thấp, riêng quý 3 tăng trưởng ở mức thấp nhất sau 35 năm đổi mới.

Mặc dù vậy, huyện Củ Chi dù tốc độ phát triển không bằng năm ngoái nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Củ Chi, trong đó đặc biệt là ý thức, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp chống dịch và giữ được các hoạt động cần thiết để duy trì cuộc sống, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Củ Chi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: TÁ LÂM

Theo Chủ tịch nước, chúng ta chuyển chiến lược chống dịch từ “Zero COVID-19” sang “Thích ứng an toàn với COVID-19” - đó là bước chuyển phù hợp trong bối cảnh nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM đã có 97% được tiêm chủng mũi 1 và trên 70% người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 2. Cùng với tiêm chủng, ông cho rằng cần tuân thủ các biện pháp 5K để vừa phòng dịch hiệu quả vừa khôi phục kinh tế - xã hội để giải quyết việc làm, không để TP.HCM rơi vào khủng hoảng sâu về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm của người dân.

Đối với kiến nghị của cử tri tiêm vaccine cho trẻ em, Chủ tịch nước cho rằng việc tạo điều kiện để các cháu đến trường là điều luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện tại, Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn đang xem xét và dự kiến sẽ có quyết định việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trong tháng 10-2021.

“Trong chuyến công tác tại Cuba, chúng tôi đã đàm phán mua 5 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ em trong tổng số 10 triệu liều. Trong chuyến thăm Công ty Pfizer, hãng này cũng hứa cung ứng 20 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ em” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chủ tịch nước cho biết, hãng Pfizer rất coi trọng chuyến thăm và nhìn nhận, đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia tới thăm và thúc đẩy trực tiếp vấn đề cung ứng vaccine đối với họ. “Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với trẻ em, thế hệ tương lai” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

“Nếu lượng vaccine trên về sớm, cuối tháng 10 này, chúng ta có thể tiêm cho trẻ em để các cháu đảm bảo an toàn trước khi đến trường, hạn chế được việc phải học trực tuyến” - Chủ tịch nước nói thêm.

Củ Chi không bỏ lỡ cơ hội phát triển sau dịch

Chủ tịch nước cho rằng, trong đợt dịch vừa qua, huyện Củ Chi có hơn 6.500 ca nhiễm COVID-19 nhưng đã vượt qua và là một trong hai địa phương đầu tiên của TP.HCM kiểm soát được dịch, cùng với quận 7. Huyện đã có nhiều giải pháp cụ thể nên số ca nhiễm và số ca tử vong rất thấp, đặc biệt huyện đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để hỗ trợ cho người dân.

Theo ông Phúc, huyện Củ Chi chỉ còn một xã nữa là huyện trở thành vùng xanh của TP.HCM. Ông cho rằng thành tích này rất lớn tiếp tục khẳng định truyền thống cách mạng quý báu của Củ Chi - đất thép thành đồng luôn vững vàng không chỉ trong chiến tranh mà còn trong cả đại dịch COVID-19.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị huyện Củ Chi không để bỏ lỡ cơ hội phát triển sau dịch, cần đảm bảo phối hợp nhịp nhàng với các địa phương xung quanh nhằm tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, khôi phục kinh tế.

Trong đó, huyện Củ Chi cần tăng cường hơn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Không chỉ các chính sách kinh tế, các lĩnh vực an sinh xã hội cần sớm tháo được những nút thắt.

Về định hướng cụ thể, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc góp ý, huyện Củ Chi không nên chỉ sản xuất nông nghiệp theo phương pháp truyền thống như nơi khác. Huyện cần nghiên cứu để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh dựa trên thành tựu công nghệ.

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng huyện Củ Chi các loại thuốc điều trị COVID-19, trang thiết bị, vật tư y tế có trị giá gần 2 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm