Chủ tịch nước: TP.HCM giữ chân người lao động, sớm phục hồi kinh tế

Ngày 11-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 10 đã có buổi tiếp xúc với cử tri hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Tổ này còn có bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM và Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đề nghị Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp ở TP.HCM thu hút lao động trở lại làm việc để phục hồi kinh tế sau cơn đại dịch.

Không để TP.HCM rơi vào khủng hoảng sâu về kinh tế

Cử tri Lê Minh Sương (huyện Củ Chi) kiến nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến với Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức đưa đón, tổ chức cho công nhân có nguyện vọng về quê một cách chu đáo, đảm bảo an toàn cho công nhân và đảm bảo an ninh trật tự. Qua đó tạo sự an tâm cho người lao động tạm về quê, sau đó quay lại TP.HCM làm việc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Còn cử tri huyện Hóc Môn kiến nghị cần tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa trên cả nước, bởi theo cử tri, hiện nay có một số tỉnh, thành sợ lây lan dịch nên có tư tưởng “ngăn sông cấm chợ” gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Bộ Chính trị đã có nhiều phiên họp đưa ra biện pháp chuyển chiến lược phòng chống dịch từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn với dịch COVID-19”. Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cũng đã chỉ đạo theo hướng này.

Theo Chủ tịch nước, đó là bước chuyển phù hợp trong bối cảnh có nhiều ca nhiễm ở các địa phương. Riêng ở TP.HCM đã tiêm vaccine mũi 1 cho 97% dân số và mũi 2 cho hơn 70% dân số trên 18 tuổi. “Với số lượng tiêm vaccine này, cùng với biện pháp 5K, chúng ta phải vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, không để TP.HCM rơi vào khủng hoảng sâu về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm của người dân TP” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Người đứng đầu Nhà nước cũng lưu ý việc giữ chân người lao động là nhiệm vụ quan trọng của TP.HCM cũng như hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, tránh xáo trộn nguồn lao động và không hồi phục được nguồn sản xuất. Ông dẫn chứng số lượng người nhập cư ở huyện Hóc Môn rất lớn với trên 23%, đây là nguồn lực để phát triển. Do đó, ông đề nghị Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hóc Môn và chính quyền các cấp cần động viên, giữ chân để bà con yên tâm có nhiều công việc và bắt tay vào sản xuất, kinh doanh.

Rất đau xót khi hàng ngàn người mang theo trẻ em đi xe máy về quê

Tại buổi tiếp xúc, một vấn đề khác cũng được cử tri hai huyện Củ Chi và Hóc Môn đặc biệt quan tâm là tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em để học sinh sớm được đến trường. “Quốc hội cần chỉ đạo triển khai tiêm vaccine cho trẻ em càng sớm càng tốt, để phụ huynh an tâm khi học sinh đến trường” - bà Trần Huỳnh Phương Uyên, giáo viên trường mầm non trên địa bàn huyện Hóc Môn, đề nghị.

Bà Uyên cũng đề nghị trung ương và TP.HCM cần có chính sách chăm lo cho trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 gây ra, bởi theo bà, hiện có rất nhiều trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mặc dù đã có trợ cấp cho các em nhưng cần có chính sách chăm sóc lâu dài cho các em.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch nước cho rằng tiêm vaccine cho trẻ em là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Hiện tại, Bộ Y tế cùng các cơ quan chuyên môn đang xem xét và dự kiến sẽ có quyết định việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi trong tháng 10 này.

“Trong chuyến công tác tại Cuba, chúng tôi đã đàm phán mua 5 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ em trong tổng số 10 triệu liều. Trong chuyến thăm Công ty Pfizer, hãng này cũng hứa cung ứng 20 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ em” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói và cho biết nếu lượng vaccine trên về sớm, cuối tháng 10 này, Việt Nam có thể triển khai tiêm cho trẻ em để các cháu được đảm bảo an toàn trước khi đến trường, hạn chế việc phải học trực tuyến.

Chủ tịch nước cũng đồng cảm với những hy sinh về tính mạng, tổn thất về tài chính, cơ sở vật chất của hai huyện Hóc Môn, Củ Chi và toàn TP.HCM trong đợt dịch vừa qua. Tính đến nay, TP.HCM đã có gần 16.000 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nhiều trẻ em mất cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều nhà máy đóng cửa, hàng vạn người dân rời TP về quê.

“Chúng ta thấy hàng ngàn người mang theo trẻ nhỏ rời TP.HCM về quê bằng xe máy... rất đau xót. Chúng tôi trên cương vị là đại biểu Quốc hội cũng cảm thấy có trách nhiệm đối với những vấn đề này” - chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Không để dân “thiếu cơm, lạt muối, đứt bữa”

Trao đổi riêng với huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi, không chỉ đưa huyện Củ Chi thành vùng xanh sớm mà còn giữ được tốc độ phát triển kinh tế khá so với mặt bằng chung của TP.HCM.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị huyện Củ Chi không để bỏ lỡ cơ hội phát triển sau dịch, cần đảm bảo phối hợp nhịp nhàng với các địa phương xung quanh nhằm tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, khôi phục kinh tế.

Với huyện Hóc Môn, Chủ tịch nước lưu ý Hóc Môn cần làm tốt vấn đề an dân, nắm bắt sát đời sống nhân dân, không để một người dân nào đứt bữa, đói cơm, lạt muối, thiếu lương thực, thực phẩm. “Phải sát dân hơn nữa, hỗ trợ kịp thời hơn nữa cho người dân, đặc biệt là gia đình có người già neo đơn, gia đình chính sách” - Chủ tịch nước nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm