Chủ tịch Hà Nội: Làm rõ Cảnh sát PCCC có “sân sau” hay không?

“Dư âm đâu đó người ta đang nói câu chuyện liệu cảnh sát PCCC có sân sau không? Có người thân quen vào bán thiết bị cho nên đến lúc các chủ doanh nghiệp chây ỳ ra anh không nói được hay không.

Do vậy, tôi đề nghị anh Định (Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) cho kiểm tra lại có hay không chuyện này. Và nếu có thì tôi đề nghị phải khắc phục và chúng ta phải nghiêm túc chứ không có chuyện chúng ta vào kiểm tra rồi đưa người vào làm rồi họ sai lại không nói được” - ông Chung nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung 

Trước đó, nhiều đại biểu (ĐB) đã chất vấn về tình trạng hàng trăm tòa nhà không đảm bảo điều kiện PCCC vẫn đi vào hoạt động thời gian qua.

ĐB Nguyễn Bích Thủy (Cầu Giấy) dẫn chứng và đặt câu hỏi: “Cả thành phố có 745 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đi vào hoạt động, cho đến thời điểm này đã tiếp nhận 169 hồ sơ đề nghị khắc phục (đạt tỉ lệ 22,68%), tuy nhiên chỉ có 91/169 hồ sơ đạt yêu cầu nghiệm thu về PCCC. Mới đây, kho vải tại đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội) bị cháy, trong đó có nguyên nhân công tác nghiệm thu PCCC chưa đạt. Vậy trách nhiệm quản lý nhà nước của Cảnh sát PCCC TP Hà Nội là như thế nào?”.

Dành gần 30 phút để trả lời nội dung này nhưng ông Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, chỉ trả lời vòng vo, không đúng trọng tâm. Đến nỗi, Chủ tọa phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, phải ngắt lời: “Tóm lại theo đồng chí giám đốc thì trách nhiệm thuộc về ai. Tôi thấy đồng chí chưa giải trình. ĐB đặt vấn đề việc cấp phép thẩm định hồ sơ  tỉ lệ đạt chỉ được 22%, trách nhiệm thuộc về ai?”.

ông Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở CS PCCC Hà Nội
Ông Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội

Ông Định thừa nhận: “Nếu bảo làm hết trách nhiệm chưa thì lực lượng phòng cháy chữa cháy chưa làm hết trách nhiệm. Có phạt nhưng tác động để thúc đẩy việc chấp hành chưa đi đến được kết quả cuối cùng. Kể cả việc tổ chức cưỡng chế cũng chưa thực hiện vì đây là vấn đề không đơn giản”.

Theo ông Định, việc để các tòa nhà đi vào hoạt động nhưng không có nghiệm thu về PCCC do người dân, chủ doanh nghiệp thiếu ý thức trách nhiệm, sợ tốn kém khi đầu tư thêm cho công tác PCCC. Mặt khác quy định hiện hành có lỗ hổng.

Cụ thể, sau khi hoàn thành công trình thì cơ quan ngành xây dựng quản lý về chất lượng công trình phải xác nhận hoàn thành chất lượng công trình thì mới được đưa vào sử dụng nhưng hiện nay chỗ này đang bỏ ngỏ.

“Đáng ra trước khi xác nhận phải có giấy nghiệm thu về PCCC. Nhưng bây giờ cứ cho hoàn thành, dân vào sử dụng rồi thì câu chuyện cưỡng chế hoàn toàn không đơn giản” - ông Định nói.

Theo đó, ông Định cho rằng: “Trách nhiệm này trước hết là ở ngành xây dựng, sau là chính quyền địa phương, còn cảnh sát PCCC chỉ kiểm tra và đảm bảo an toàn điều kiện tiêu chuẩn quy chuẩn”.

Về những bất cập trong PCCC của Hà Nội, chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ rõ: “Nhiều tòa nhà không được kiểm định về PCCC, thậm chí trong thời gian qua có tòa nhà bốc cháy gây hậu quả chết người, thiệt hại tài sản rất lớn. Ở đây có trách nhiệm liên đới của công ty phát triển nhà Hà Nội và Chủ đầu tư. Nhưng tôi phải nói rõ trách nhiệm quản lý, giám sát, phê duyệt về phòng chống cháy nổ ở đây là cảnh sát PCCC”.

Ông Chung nêu ví dụ, vừa qua Tập đoàn Mường Thanh có tới 15/38 công trình sai phạm về PCCC và đây là điều “không thể chấp nhận được”. “Bây giờ tôi nói, một công trình đã đành chứ 15 công trình thì thời gian tới khắc phục thế nào? Vậy thì cảnh sát PCCC phải tiếp tục thanh tra, kiểm tra về việc này” - ông Chung nhấn mạnh.

“Nhân đây tôi cũng nói rõ tại diễn đàn là dư âm đâu đó người ta đang nói câu chuyện liệu cảnh sát PCCC có sân sau không? Có người thân quen vào bán thiết bị cho nên đến lúc các chủ doanh nghiệp chây ỳ ra anh không nói được hay không.

Do vậy, tôi đề nghị anh Định (Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) cho kiểm tra lại thông tin này mà cử tri đã nêu với Ban cán sự Ủy ban và nêu với lãnh đạo thành phố có hay không chuyện này. Và nếu có thì tôi đề nghị phải khắc phục và chúng ta phải nghiêm túc chứ không có chuyện chúng ta vào kiểm tra rồi đưa người vào làm rồi họ sai thì không nói được” - ông Chung nói.

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Tới đây TP sẽ thông báo cho các chủ đầu tư vi phạm về việc khắc phục điều kiện PCCC, nếu các doanh nghiệp không thực hiện, chúng tôi sẽ cưỡng chế bằng các hình thức giống như tòa nhà 8B Lê Trực - đó là TP bỏ tiền thuê các công ty khắc phục sau đó doanh nghiệp phải bỏ tiền.

Và nếu không có chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, chắc chắn TP sẽ áp dụng được một biện pháp trong tay mình đó là không phê duyệt các dự án tiếp theo của chủ đầu tư vi phạm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm