Chủ tịch Hà Nội: GĐ Sở Tài chính nói sai vụ nước sông Đuống

Giải trình tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 5-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giải thích thêm về việc vừa qua dư luận đặt vấn đề sự minh bạch trong tính giá nước sạch sông Đuống.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên chất vấn chiều 5-12.

Ông cho biết tại cuộc họp giao ban tập thể UBND TP Hà Nội ngày 29-11, ông đã đề nghị Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà nghiêm túc rút kinh nghiệm do phát biểu sai về cơ cấu giá nước sông Đuống dẫn đến dư luận hiểu lầm.

“Chúng tôi cũng thông cảm cho tân giám đốc sở. Nhưng phát biểu rất sai lầm đó cuối cùng để cả dư luận hiểu nhầm là người dân phải chịu (lãi vay ngân hàng của chủ đầu tư nhà máy nước mặt sông Đuống - PV) trong giá nước là 2.003 đồng/m3 nước”, ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, cơ cấu giá nước sạch hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội chỉ có năm yếu tố cấu thành gồm: Giá một khối nước được sản xuất; chi phí vận chuyển; chi phí quản lý nước; lãi suất 5% và chi phí do thất thoát nước được cho phép là 25%.

Ông Chung cho hay từ năm 2013 đến nay, giá nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội không có gì thay đổi. “Còn giá nước sạch sông Đuống, TP có thỏa thuận cho nhà đầu tư là 10.246 đồng/m3 nước để họ lập dự án. Ngay cả nhà máy nước mặt sông Hồng (Đan Phượng), TP cũng thỏa thuận cho họ là 10.365 đồng/m3 nước để lập dự án, nhưng nhà máy này vẫn đang chậm tiến độ” - ông Chung giải thích.

Trước đó, phát biểu tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính cho biết giá nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3 chỉ là tạm tính cho nhà sản xuất.

Việc TP Hà Nội tạm tính giá nước sạch sông Đuống như trên, được ông Hà thông tin là dựa trên nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…

Ngoài ra, ông Hà cũng cho biết tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỉ đồng.

“Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng/m3 nước”, ông Hà nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm