Chủ tàu du lịch bị ‘trói’ với người bán hàng rong

Cục này cho rằng quyết định trên có một số nội dung không đúng thẩm quyền và trái luật.

Chủ tàu du lịch “nhảy dựng”

Gần cuối tháng 12-2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định 4088/2015. Dựa trên quyết định này, ngày 15-2, UBND TP Hạ Long đề nghị Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh ngừng cấp phép rời cảng, bến và đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long đối với bảy tàu du lịch. Tiếp đến, ngày 5-3, bốn tàu du lịch khác cũng bị ngừng cấp phép hoạt động.

Một số chủ tàu cho biết họ khá bất ngờ với việc bị dừng hoạt động không thời hạn. “Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Ban Quản lý (BQL) vịnh cho người chụp ảnh các xuồng bán hàng rong áp vào tàu du lịch để đề nghị đình chỉ hoạt động tàu” - một chủ tàu nói.

Một chủ tàu khác bức xúc: “Chúng tôi chấp hành các quy định và đồng ý chịu phạt nhưng với điều kiện khi chúng tôi vi phạm thì cơ quan chức năng phải thông báo, lập biên bản. Ngoài ra, căn cứ xử lý cũng phải đúng luật”.

PV nêu thắc mắc sao BQL vịnh không làm việc, xử lý người bán hàng rong mà “đẩy” cho chủ tàu thì ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm Trưởng BQL vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, nói: “Vấn đề là làm trong sạch môi trường du lịch trên các vịnh. Mấy ông trên tàu còn “ăn thịt” cả những người bán hàng rong nên làm sao người bán hàng rong tự ý lên tàu của mấy ổng được?”.

Trong khi đó, ông Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định việc TP Hạ Long xử lý như trên đã được thực hiện từ lâu. “Việc xử phạt này không phải bây giờ mới làm mà đã được quy định ở nhiều quyết định trước” - ông Tùng nói (tuy nhiên, PV tham khảo các văn bản ông Tùng nói thì không có - NV).

Quy định trái Hiến pháp, phạm luật

Quyết định 4088 nêu trên khiến nhiều chủ tàu lo lắng tới cảnh phá sản. Bởi bên cạnh việc “trói” trách nhiệm của chủ tàu đối với hoạt động bán hàng rong, quyết định này còn giảm niên hạn sử dụng của nhiều loại tàu như tàu vỏ gỗ 15 năm, tàu vỏ sắt 25 năm. Trong khi theo Nghị định 111/2014 (có hiệu lực từ 5-1-2015) thì niên hạn của tàu du lịch vỏ gỗ lưu trú ngủ đêm là 20 năm, không lưu trú ngủ đêm là 25 năm và tàu vỏ kim loại tối thiểu là 30 năm. Quyết định của tỉnh cũng thông báo chấm dứt đóng mới tàu khách du lịch vỏ gỗ hoạt động ở hai vịnh Hạ Long, Bái tử Long.

Theo quyết định của Quảng Ninh thì đến tháng 4-2016 có trên 100 tàu du lịch sẽ phải “về hưu non”. Các chủ tàu cho rằng họ đã đầu tư cả tài sản vào việc đầu tư tàu hiện đại nhưng trước việc tỉnh tự ý giảm niên hạn tàu xuống thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước kế hoạch kinh doanh, trả nợ vay ngân hàng đầu tư?

Bộ Tư pháp cho rằng quyết định trên của UBND tỉnh Quảng Ninh đã vi phạm khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013. Theo đó, quyền con người, quyền công dân (trong trường hợp này là quyền tự do kinh doanh) chỉ có thể bị hạn chế bằng luật chứ không phải bằng quyết định.

Bị tuýt còi

Trước đó, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh giao cảng vụ Quảng Ninh quản lý 37 cảng, bến đang do trung ương quản lý dẫn đến một cảng, bến bị hai cấp ôm. Điều này gây khó khăn đến hoạt động các chủ bến, cảng lẫn chủ tàu. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh hủy quyết định của Sở GTVT.

Về Quyết định 4088/2015 nêu trên, Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho rằng có nhiều nội dung trái Hiến pháp năm 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Cục chỉ ra sáu nội dung có dấu hiệu trái luật. Đó là quy định về niên hạn tàu đã trái với Nghị định số 111/2014. Ngoài ra, quy định trách nhiệm của chủ tàu du lịch (trong đó có trách nhiệm trước việc các phương tiện khác đeo bám bán hàng hóa), trách nhiệm của khách du lịch là không phù hợp với Luật Du lịch 2005...

Một quyết định khác của tỉnh Quảng Ninh về việc tạm dừng và dừng đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ cũng bị “tuýt còi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm