Chống kẹt xe ở TP.HCM: Đừng đổ lỗi cho người nhập cư

Sáng 29-3, trước các nhà khoa học chuyên về quản lý đô thị - xây dựng, khoa học quản lý GTVT…, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM Bùi Xuân Cường phát biểu như trên.

Tại cuộc hội thảo mới này, nhiều ý kiến cũ vẫn cho rằng kẹt xe và TNGT ở TP tăng là do dân số tăng quá nhanh (với khoảng 8,2 triệu người đã cư trú ổn định và hơn hai triệu người nhập cư) đã làm cho số lượng ô tô, xe máy nhảy vọt lên hơn 7,53 triệu chiếc, tăng gần 7% so cùng kỳ năm 2015. “Dân số sở tại và dân nhập cư tăng đã đưa TP vào tốp siêu đô thị trong khi số kilomet, diện tích mặt đường trong gần 10 năm qua tăng không bao nhiêu thì… kẹt xe là phải” - một nhà quản lý nêu vấn đề.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng quan niệm trên là không phù hợp với quyền tự do cư trú, tự do đi lại của người dân trên lãnh thổ Việt Nam cũng như ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Vấn đề ở đây là trước sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị thì chiếc áo giao thông đã không theo kịp mà ngày càng trở nên chật chội và được quản lý, khai thác chưa phù hợp. “Quan niệm hạ tầng giao thông phải đầy đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại là không còn phù hợp. Cần chuyển qua tư duy phát triển, khai thác hạ tầng giao thông sao cho thích hợp với “dòng chảy” lưu thông theo các thời điểm sáng, chiều, theo lưu lượng xe, tốc độ xe… Ví dụ, đường Trường Chinh vào giờ cao điểm sáng cho lưu thông luôn trên phần đường chiều ra để các dòng xe được đi nhanh vào nội đô. Hoặc đường Phạm Văn Đồng cao điểm sáng cho xe máy đi vào một phần đường xe hơi thì làm sao kẹt được” - TS Vũ Anh Tuấn, Trường ĐH Việt Đức, nêu vấn đề.

Theo TS Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, các giải pháp làm thêm đường, xây thêm cầu vượt như thời gian qua chỉ giải quyết được kẹt xe ở một vài điểm và trong thời gian ngắn. Thực tế chứng minh sau khi có các cầu vượt, giao thông được cải thiện đôi chút. Nhưng một thời gian sau kẹt vẫn hoàn kẹt. Ví dụ như trên đường Cộng Hòa có hai cầu vượt trong năm 2012, 2013 nhưng nay tuyến này vẫn kẹt xe và còn lan rộng ra cả khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đó, TS Du nói: “Nếu vẫn tiếp tục cách nghĩ, cách làm cũ thì rất khó tạo ra đột phá trong giải quyết kẹt xe của TP”.

Xây dựng hệ thống kết nối thông tin giao thông

Tại hội thảo, đề án áp dụng công nghệ thông tin giám sát, điều hòa, phân luồng giao thông của PGS-TS Hồ Thanh Phong và nhóm nghiên cứu Trường ĐH Quốc tế được xem là mới và “sáng” cho việc giảm kẹt xe. Theo đề án, TP sẽ thiết kế hệ thống giám sát, cảnh báo giao thông qua hệ thống SMS, bảng quang báo điện tử LED, các trang web, kết nối các nhà mạng đến điện thoại di động… Theo đó, các camera gắn trên đường, tin nhắn SMS sẽ cập nhật, gửi thông tin tình hình giao thông ở từng điểm, khu vực về trung tâm điều khiển để từ đây phát ra các thông tin “đăng” lên các bảng quang báo, đến từng máy điện thoại di động để người đi đường (hoặc chuẩn bị ra đường) lựa chọn lộ trình, hướng đi mới cho phù hợp… Theo TS Phong, với giải pháp này TP sẽ không phải tốn kém nhiều kinh phí để làm cầu, đường mới mà vẫn sử dụng được hệ thống hạ tầng hiện hữu một cách thông minh.

Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, đến nay TP vẫn chưa có trung tâm điều khiển giao thông xứng tầm, gây khó khăn cho công tác quản lý bằng công nghệ thông tin như nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm