Chống dịch: TP.HCM cần lập ‘vành đai xanh’ với các tỉnh

Khi TP.HCM đang vào giai đoạn cao trào chống dịch, các tỉnh lân cận cũng bắt đầu bùng phát với số ca nhiễm tăng ngày càng cao. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS Lê Trung Chơn, Giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM, cho rằng các TP.HCM cần tạo ra một “vành đai xanh” nếu muốn chống dịch hiệu quả. Muốn thế, phải hợp sức và trao đổi chiến lược chống dịch với các tỉnh, thành lân cận để có giải pháp dài hạn.

Chống dịch: Chuyện không chỉ ở TP.HCM

Phóng viên: Thưa ông, trong khi TP đang vẫn còn chống chọi với dịch covid-19, thì tình hình dịch ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An,… đang diễn biến phức tạp. Một số chuyên gia lo ngại nếu không kiểm soát hiệu quả, dịch ở các tỉnh thành này có thể bùng phát như tình hình TP.HCM thời gian qua. Ông đánh giá như thế nào về lo ngại này?

+ PGS.TS Lê Trung Chơn: Việc lo ngại của các chuyên gia trên là có cơ sở vì các tỉnh này giáp ranh và có mối quan hệ rất mật thiết với TP.HCM, vốn vẫn còn đang đối diện tình hình dịch bệnh rất phức tạp. Thực tế thì tình hình ở các địa phương khác xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… sẽ càng khó khăn hơn khi điều kiện chống dịch của họ còn hạn chế hơn so với TP.HCM.

Ví dụ, hạ tầng y tế, đội ngũ y bác sĩ, phương tiện bảo hộ, và nhất là lượng vaccine của các địa phương này hiện cũng khan hiếm hơn. Khả năng triển khai các chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine nhanh và kịp thời cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt, nếu các ca F0 không may trở nặng thì các tỉnh thành khác cũng sẽ chịu nhiều áp lực lên hệ thống y tế. Tôi thấy các tỉnh, thành cũng đã rất chủ động, nhưng việc phối hợp giữa các địa phương cần phải tạo thành các vành đai rộng lớn hơn thì việc chống dịch mới mong có hiệu quả.

Số liệu cho thấy song song với việc tăng các ca nhiễm ở TP.HCM, tình hình dịch ở các tỉnh giáp ranh cũng phức tạp. Biểu đồ: NVCC

. TP.HCM đã trải qua nhiều tuần giãn cách và đang tiến hành các giải pháp vaccine để sớm tạo miễn dịch cộng đồng, sớm có thể nới lỏng và tiến tới gỡ bỏ giãn cách cho người dân trở lại. Nếu dịch ở các tỉnh lân cận bùng phát, kế hoạch của TP có thể bị ảnh hưởng ra sao?

+ Theo những phân tích trước đây của tôi, việc lan truyền dịch bệnh không bị giới hạn bởi địa giới hành chín do dịch bệnh lan truyền không biên giới, lanh thổ. Tức là đừng có nói chống dịch dịch ở TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai hoặc Long An một cách riêng lẻ. Với COVID-19, chúng ta phải nhìn nhận góc độ: Nơi bùng phát dịch, nơi nguy cơ lây nhiễm rất cao, cao, trung bình hay thấp… Mỗi khu vực nguy cơ đó có thể bao trùm một hay nhiều tỉnh, thành.

Vì vậy, nếu chúng ta cứ tiếp cận theo quan điểm mỗi địa phương có cách chống dịch khác nhau mà thiếu tính đồng bộ và thống nhất từ trung ương đến địa phương, từ vùng đến khu vực thì nguy cơ bùng phát dịch chắc chắn sẽ xảy ra khi việc kiểm soát dịch bệnh không đồng bộ và chặt chẽ. Cho nên, nếu các tỉnh xung quanh TP.HCM bùng dịch, thì TP cũng khó có thể yên ổn.

Người dân xuất trình giấy xét nghiệm cho một cán bộ tại chốt kiểm dịch. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hiện nay, TP. HCM dường như đã vừa qua đỉnh dịch nhưng số ca nhiểm vẫn còn cao (khoảng 3500-4000 ca/ngày) trong khi các tỉnh lân cận khác vẫn còn trong giai đoạn bùng phát mạnh dù đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tuần tới đối với Bình Dương và Long An trong khi Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu sẽ chậm hơn và đạt đỉnh sau hai tuần nữa. Dù TP.HCM có kiểm soát dịch tốt như thế nào đi nữa thì nguy cơ lây nhiễm ngược lại từ các tỉnh lân cận giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Long An, Tây Ninh là rất cao. Lý do là các địa phương kết nối với nhau bằng nhiều đường ngang, ngõ tắt, ranh giới địa lý không rõ ràng và dân cư sống đan xen, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn khác nhau. Quan trọng hơn cả, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ giữa TP.HCM với các tỉnh thành là cực kỳ quan trọng, không thể bị chặn đứng bằng một mệnh lệnh hành chính mà không cân nhắc thiệt hại.

Giải pháp lập “vàng đai xanh”

. Đứng ở góc độ các tỉnh, thành vùng kinh tế TP.HCM (TP và Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh…) và trên tư duy chống dịch hệ thống và tổng thể thì các tỉnh thành cần có giải pháp chống dịch như thế nào cho hiệu quả?

+ Để giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ và hiệu quả, Chính phủ nên tiếp cận tổ chức theo tư duy tổ chức, hiệp đồng tác chiến của các lực lượng tham gia chống dịch (y tế dự phong, điều tri, quân đội, công an, công thương… và đặc biệt là người dân) theo mô hình vùng thay vì chia theo tỉnh.

Nói hôm na, chống dịch theo vùng phía Nam (gồm TP.HCM và các tỉnh xung quanh). Mỗi vùng sẽ có một ban chỉ đạo chống dịch được hình thành và phối hợp giữa trung ương và các lãnh đạo địa phương. Có thể hình dung, chúng ta sẽ có dữ liệu dịch tễ, cư dân, hoạt động kinh tế, an sinh xã hội, giao thương, cung ứng hàng hóa,… của cả một vùng rộng lớn gồm nhiều tỉnh, thành.

Điều đó giúp chúng ta có thể: (i) xác định một cách chính xác các vùng nguy cơ (nhất là các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành) thông qua hệ thống thông tin địa lý (GIS) nhờ bộ dữ liệu rộng lớn, đồng bộ được thu thập từ cả một vùng (chứ không phải mỗi tỉnh một kiểu như hiện nay); (ii) đánh giá được nguy cơ và rủi ro lây nhiễm; (iii) đánh giá được ảnh hưởng dịch bệnh đến đời sống kinh tế, thương mại, sinh kế, an toàn y tế… đối với người dân liên tỉnh; (iv) có các bộ giải pháp toàn diện và đồng bộ trên cơ sở chia sẻ khó khăn, chia sẻ nguồn lực để cùng nhau chống dịch.

Kiểm tra giấy xét nghiệm đối với xe tải, xe ô tô tại chốt trên Quốc lộ 1K. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hiện nay, tôi và một số đồng nghiệp đang cố gắng thu thập thông tin từ các tỉnh, thành (như mật độ dân số, vị trí các khu chợ, thương mại, khu dân cư, cao ốc,… và các thông tin dịch tễ của người dân) để có thể thông qua nền tảng UrsCAPE, mô phỏng lại các khu vực có mức độ lây nhiễm từ thấp (vùng xanh) đến cao (vùng đỏ) ở khu vực TP.HCM với các tỉnh thành lân cận. Qua đó có thể đề xuất các phương án chống dịch trực diện và hiệu quả hơn.

Nói tóm lại, nếu chỉ mỗi TP.HCM kiểm soát được dịch thì thành quả ấy sẽ khó có thể đảm bảo nếu các tỉnh thành xung quanh bùng dịch. Trái lại, nếu các tỉnh thành xung quanh đều là “vùng xanh”, khi đó sẽ xuất hiện một “vành đai xanh” đảm bảo an toàn cho TP. Điều này có ý nghĩa tương tự với các tỉnh, thành khác. Cho nên, muốn tạo “vành đai xanh” xung quanh, không còn cách nào khác các tỉnh, thành phải hợp tác, đánh giá nguy cơ, đồng nhất chính sách, chia sẻ nguồn lực thì mới mong cùng nhau chống dịch hiệu quả.

. Hiện nay, có ý kiến cho rằng TP.HCM nên chia sẻ vaccine với các tỉnh lân cận. Ông nghĩ thế nào về đề xuất này?

+ Hiện nay, dịch bùng phát tại nhiều tỉnh thành, nhu cầu vaccine là rất cao. Mới đây, Hải Phòng đã có văn bản muốn mượn 500.000 liệu vaccine Sinopharm từ TP.HCM. Trong khi đó, Đồng Nai, Bình Dương,… cũng có thấy nhu cầu cấp thiết đối với vaccine. Trong tháng 8, TP sẽ nhập về khoảng 5 triệu liều vaccine. Ngoài việc tính toán các phương án tiêm cho người dân TP, cũng cần tính phương án hỗ trợ các tỉnh lân cận để họ “chữa cháy” kịp thời. Nơi nào cấp bách, địa phương nào tiêm nhanh, hiệu quả thì ưu tiên cho tiêm trước. Tránh tình trạng vaccine nơi thì nằm trong kho, nơi thì khan hiếm.

. Xin cám ơn ông.

 

Tình hình dịch các tỉnh lân cận TP.HCM

Trong ngày 6-8, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 8.324 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 8.320 ca ghi nhận trong nước. Tại TP.HCM phát hiện 4.060, Bình Dương 1.169 ca, Long An 859 ca, Đồng Nai 554 ca, Tây Ninh 102 ca. Như vậy, dịch bệnh tại các tỉnh giáp ranh TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cho đến nay, Bình Dương đã có hơn 23.500 ca nhiễm; Long An có hơn 9.000 ca nhiễm; Tây Ninh có gần 2.500 ca nhiễm; Đồng Nai có hơn 7.700 ca nhiễm. Diễn biến dịch gần đây khiến nhiều địa phương lo ngại rằng nếu không kiểm soát kịp thời, dịch có thể bùng phát mạng mẽ và khó lòng ngăn chặn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm