Chống ‘đi đêm’ ở khu vực tư

Liên quan đến vấn đề chống tham nhũng trong khu vực tư dự kiến đưa vào Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi tới đây, Pháp Luật TP.HCM ngày 3-10 đã có đăng bài phỏng vấn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), bày tỏ những lo ngại về vấn đề này. Để rộng đường dư luận hơn, chúng tôi tiếp tục có cuộc phỏng vấn với TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ), về vấn đề này.

Chống tham nhũng khu vực tư là cần thiết

. Phóng viên: Thưa ông, để chống tham nhũng ở khu vực được đưa vào Luật Phòng, chống tham nhũng thì điều kiện cần và đủ ở đây là gì?

+ TS Đinh Văn Minh: Trước hết chính là quy định của luật và quá trình thực hiện luật phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch để đảm bảo việc chống tham nhũng ở khu vực tư được hiệu quả, minh bạch và công bằng. Nhưng ở đây phải nói đến hai khía cạnh, trước hết là phải làm thay đổi nhận thức chung của người dân, bởi vì trước đây chủ yếu chúng ta chỉ chống tham nhũng ở khu vực công và chưa quen với việc chống tham nhũng ở khu vực tư.

Tuy nhiên, việc đưa chống tham nhũng khu vực tư vào luật là rất cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông khi tham gia góp vốn vào các DN, tập đoàn có tài sản lớn. Bởi lẽ trong các DN, tập đoàn, ngân hàng… những người có chức quyền lợi dụng vào đó để tham ô tài sản, tiếp khách, làm ăn không minh bạch dẫn đến bị đổ vỡ làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhiều người… Chính vì thế phải kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tại một số hội thảo mới đây, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về vấn đề này là do chưa hiểu cặn kẽ về chống tham nhũng trong khu vực tư thế nào. Xin nói rõ chống tham nhũng ở khu vực tư chính là sự bảo vệ cạnh tranh lành mạnh giữa các DN; tạo môi trường lành mạnh để thu hút thêm các DN đầu tư vào Việt Nam. Vì thế cần phải thay đổi nhận thức về vấn đề này.

. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng khi chống tham nhũng trong khu vực công chưa hiệu quả thì chuyển sang tư thì e rằng sẽ tạo ra hiệu ứng “đảo chiều”, dồn hết qua khu vực tư mà chống thì rất khó cho DN, ông thấy sao?

+ Việc mở rộng kiểm soát trong khu vực tư cũng có giới hạn. Chẳng hạn chủ yếu sẽ hướng đến những DN, tập đoàn lớn huy động vốn trong xã hội, cầm tiền của cổ đông thì cần thiết phải đưa vào luật để chống tham nhũng, tránh việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham nhũng tài sản của chung nhiều người, ví dụ như sàn vàng ảo, kinh doanh đa cấp, ngân hàng hoặc những DN, tập đoàn lớn… Rõ ràng nếu luật không điều chỉnh thì mình không theo dõi được. Và ngay cả khu vực tư cũng cần phải công khai, minh bạch tài sản như khu vực công.

TS Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng việc chế định chống tham nhũng trong lĩnh vực tư vào luật lúc này là rất cần thiết. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Có lợi cho cả tư lẫn công

. Nhưng hiện nay các DN khu vực tư đã chịu quá nhiều áp lực, nhũng nhiễu, đủ các loại giấy phép… Việc đưa chống tham nhũng ở khu vực tư vào sẽ dẫn đến những hệ lụy như lạm quyền khiến DN vốn dĩ đã gặp khó khăn, càng gặp khó khăn hơn?

+ Mỗi cơ chế chính sách khi thực hiện bao giờ cũng có hai mặt. Một là nguy cơ lợi dụng luật, chính sách để sách nhiễu, gây khó khăn cho DN. Hai là nó sẽ đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, hạn chế những tiêu cực “lợi thế” không bình đẳng như tôi nói trên đây.

Vấn đề là DN phải hiểu để phát huy cái tích cực. Còn đối với các cơ quan chức năng thực thi việc này phải đảm bảo công khai, minh bạch các nội dung, quyền hạn, trình tự thủ tục và nhiệm vụ thanh kiểm tra. Tất cả phải hành xử theo luật định.

Bản thân cơ quan nhà nước cũng có cơ chế cụ thể để giám sát, đảm bảo hoạt động thanh tra cho đúng. Ngoài ra, một kênh giám sát quan trọng chính là thông tin báo chí nếu có sai phạm, lệch lạc trong thanh tra.

. Thực trạng tham nhũng ở khu vực tư đã biểu hiện tới mức nào để chế định vấn đề này vào Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi?

+ Hiện nay, không ít các vụ án tham nhũng lớn đều có dính líu đến lĩnh vực tư ít nhiều mà cụ thể ở đây là hiện tượng thông thầu ở các dự án lớn, các dòng tiền đầu tư vào DN; sự móc ngoặc giữa các DN và người có chức quyền trong Nhà nước đội vốn cao hơn gấp nhiều lần trong các dự án nhà nước đầu tư….

Việc đưa chống tham nhũng ở khu vực tư vào luật sẽ có những tác động rất lớn nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng tham nhũng đang ngày càng trầm trọng ở Việt Nam. Một môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng sẽ giúp các DN phát triển tốt hơn và thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.

Còn nếu cứ để tình trạng DN phải hối lộ, “đi đêm”, tìm cách bôi trơn với các cơ quan nhà nước khác để chiếm lĩnh lợi thế với mong muốn công việc tốt hơn thì sẽ đẩy phần DN còn lại vào thế rất khó. Vì thế việc ngăn chặn dòng tiền hối lộ giữa công và tư sẽ giảm tham nhũng trong cả hai khu vực này.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm