‘Chôm’ thiết kế BV để... đóng góp cho ngành y!

LTS:TP.HCM lên kế hoạch xây ba bệnh viện ở các cửa ngõ nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong nội thành nhưng tiến độ thực hiện chậm chạp. Nguyên nhân là việc chuẩn bị, lựa chọn thiết kế, nhà thầu có sự chuệch choạc dẫn đến khiếu kiện.

Hiện chủ đầu tư dự án Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Thủ Đức (là Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế - BQL) đang bối rối vì đã “lỡ” ký hợp đồng, thanh toán nhiều tỉ đồng rồi mới hay chủ của phương án thiết kế kiến trúc không cho phép sử dụng.

Chủ ý tưởng thiết kế là Công ty Architects & Planners Archiplan Inc (Hàn Quốc) yêu cầu hủy ngay hợp đồng đã ký trước khi bàn tiếp. Điều này có nghĩa tiến độ của dự án BV đa khoa cửa ngõ của TP.HCM sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Nội bộ” lủng củng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần giữa tháng 4-2013, BQL đã ký hợp đồng tư vấn lập dự án đầu tư và thiết kế xây dựng BV Đa khoa khu vực Thủ Đức với liên danh Công ty Architects & Planners Archiplan Inc và Công ty TNHH Xuân Vy (Việt Nam). Hợp đồng trị giá gần 25 tỉ đồng và đã được thanh toán gần 4 tỉ đồng.

Căn cứ ký kết hợp đồng vì Archiplan là pháp nhân có phương án thiết kế dự thi, được UBND TP ra quyết định chọn từ tháng 2-2011. Ông Park Hoon đại diện phía nước ngoài đã ký tên và đóng dấu vào hợp đồng.

Sau nhiều năm khởi động nhưng đến nay công trình dự án BV đa khoa khu vực vẫn chưa có gì. Ảnh: TÙNG SƠN

Thực tế ông Park Hoon đã thôi làm giám đốc đại diện cho Archiplan từ cuối tháng 5-2012. Điều này phần nào lý giải vì sao quá trình thực hiện hợp đồng đã không có nhân sự của Archiplan tham gia, trong khi đây là cơ sở quan trọng để UBND TP duyệt dự toán chi phí tư vấn. Ngoài ra, khoảng chín tháng sau khi ký hợp đồng thì phía liên danh mới bổ sung được giấy phép thầu của nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Đại diện liên danh giải thích nhân sự tại địa phương (TP.HCM) vẫn đủ năng lực tư vấn. Công ty Xuân Vy còn cho rằng phía đối tác không phối hợp làm tiến độ công việc chậm trễ nên đề nghị chấm dứt liên danh với Archiplan. Tuy vậy, Xuân Vy vẫn tiếp tục công việc với sự cố vấn của hai nhân sự đã nghỉ việc của Archiplan (trong đó có ông Park Hoon). BQL bác đề nghị của Xuân Vy vì cho rằng không thể đơn phương kiến nghị chấm dứt hợp đồng mà không có ý kiến của Archiplan. Song song đó, BQL cũng nhấn mạnh đề nghị liên danh nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký. Từ đây sự thật được lộ dần…

Hàn Quốc tố bị “mất cắp”

Được biết, một ngày sau khi BQL đề nghị liên danh nghiêm túc thực hiện hợp đồng thì Archiplan thông báo họ không liên quan đến hợp đồng đã ký. Archiplan cho biết sản phẩm của họ đã được UBND TP chọn nhưng chưa có đàm phán ký hợp đồng. Đến cuối tháng 4-2013, đại diện Xuân Vy đã đến thăm Archiplan và thông báo chủ đầu tư muốn thúc đẩy dự án BV. Từ đây hai bên nối lại đàm phán (về công việc, chi phí thiết kế) nhưng không đạt kết quả và cuối tháng 7-2013, Archiplan thông báo cho Xuân Vy không tiếp tục thực hiện dự án.

Trong khi trước đó, từ tháng 4-2013, Xuân Vy đã “chủ động” lấy phương án thiết kế, kiến trúc cho BV đi ký cho sử dụng. Có thể vì vậy mà sau khi bị Archiplan từ chối liên danh, giữa tháng 8-2013, Xuân Vy thông báo muốn mua phương án đoạt giải với giá 100.000 USD. Archiplan cho hay đã cung cấp các giấy tờ theo đề nghị của Xuân Vy nhưng thực tế chưa hoàn thành việc “mua bán”, chưa ký kết gì với BQL. Vậy nhưng đến tháng 2-2014, Xuân Vy thông báo đã ký hợp đồng với BQL. “Xuân Vy đã làm hợp đồng trên cơ sở dự án đoạt giải của Archiplan là không đúng” - đại diện Archiplan nêu.

Archiplan khẳng định đã không được thông báo nên không đồng ý về mọi khía cạnh của hợp đồng đã ký giữa Xuân Vy và chủ đầu tư. Từ đó Archiplan phát thông báo cho UBND TP và BQL khẳng định không hề liên can đến Xuân Vy trong dự án BV trên và cảnh báo sẽ không chịu trách nhiệm bất cứ vấn đề nào liên quan.

Thiếu kiểm tra rồi đi… năn nỉ

Sự việc trở nên nghiêm trọng. BQL mời các bên nhưng Archiplan không muốn đến họp (nhưng sẵn sàng trả lời qua mail bất kỳ thông tin nào), trong khi Xuân Vy thì xin hoãn. Buộc lòng BQL ra văn bản yêu cầu Xuân Vy giải trình. Mất một thời gian dài chờ đợi, đến giữa tháng 5-2014, Xuân Vy có văn bản phúc đáp nhưng không khẳng định hay phản bác “tố cáo” của Archiplan.

Tiếp đó, Xuân Vy lý giải sau khi ký hợp đồng tư vấn thì mới hay ông Park Hoon và ông Jung Tea Woo (“cha đẻ” sản phẩm) đã nghỉ việc ở Archiplan. Trong khi lãnh đạo mới của Archiplan thì không biết gì về hợp đồng đã ký. Do vậy Xuân Vy đề nghị thương thảo, mua lại ý tưởng (trong khi theo Archiplan thì Xuân Vy nói BQL muốn mua) nhưng Xuân Vy không đáp ứng được yêu cầu thanh toán nên sự việc không thành. Trả lời BQL, Xuân Vy cho rằng lẽ ra phải báo cho BQL nội tình nhưng bản thân muốn tìm hiểu, đồng thời Xuân Vy cũng cố gắng hoàn thiện thiết kế với cố vấn của hai nhân sự đã nghỉ việc của Archiplan… “Qua sự việc trên, Xuân Vy nhận thấy là không đúng. Nhưng do ý chí chủ quan và đây là dự án trọng điểm nên đã quyết tâm thực hiện cho bằng được để đóng góp cho ngành y tế TP.HCM” - giải trình của Xuân Vy nêu.

Phía Archiplan cũng nhiều lần khẳng định không liên can và không chịu bất kỳ trách nhiệm nào liên quan đến hợp đồng. Đến thời điểm hiện nay, ít nhất BQL đã hai lần phát văn bản đề nghị được tiếp tục sử dụng ý tưởng của Archiplan, thông qua các gợi ý như lập liên danh với địa phương để tiếp tục dự án, đề nghị được phép sử dụng ý tưởng để tránh lãng phí một sản phẩm có chất lượng. Tuy vậy, Archiplan từ chối việc liên danh, còn nếu muốn chuyển cho đơn vị khác kế thừa thì hủy ngay hợp đồng với Xuân Vy trước khi bàn tiếp. Đại diện BQL cho hay muốn hủy hợp đồng thì phải qua “các bước cần thiết”, trong đó phải báo cáo và có ý kiến của UBND TP. Từ đó chủ đầu tư tiếp tục đề nghị được Archiplan có ý kiến trong việc sử dụng ý tưởng thiết kế này.

Xuân Vy không trung thực, còn BQL thì sao?

BQL dự án cho rằng Xuân Vy không trung thực, tự ký hợp đồng mà chưa có sự đồng ý của Archiplan nên đề nghị hủy hợp đồng và buộc Xuân Vy chuyển trả hơn 3,8 tỉ đồng. Nhưng vì sao BQL bị Xuân Vy dễ dàng “qua mặt” như vậy?

Một chuyên gia đấu thầu cho hay chủ đầu tư đã không kiểm tra tư cách và khả năng của nhà thầu. Trong hợp đồng liên danh có công ty nước ngoài tham gia thì lý ra khi ký hợp đồng phải xem xét tư cách cụ thể. Thế nhưng BQL vẫn ký hợp đồng mà không có mặt của công ty nước ngoài đã “giúp” thầu phụ trong nước qua mặt đối tác. Ngoài ra, phía nước ngoài không đồng ý nhưng trong hợp đồng vẫn có con dấu, chữ ký của họ thì không loại trừ có sự giả mạo.

Điều khó hiểu nữa là không có phía nước ngoài tham gia nhưng chủ đầu tư vẫn nghiệm thu, thanh toán (cho Xuân Vy) hơn 3,8 tỉ đồng. Đến nay hợp đồng bị hủy mà chỉ yêu cầu hoàn tiền, không chế tài xử phạt.

Theo vị này, chính các thiếu sót của BQL đã gây ra nhiều hệ quả, trong đó có sự chậm trễ hoàn thành, đưa vào khai thác bệnh viện cửa ngõ quan trọng của TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm