Chơi đá bóng, lại … vào tù!

1. Tối 20-10-2009, nhóm của Trần Nguyên Trẫm đã đến sân bóng của Trường ĐH Nha Trang đá bóng giao lưu cùng nhóm của Đỗ Thành Trung. Trận bóng nghiệp dư, không có trọng tài cầm cân nảy mực nên thường xuyên xảy ra cãi vã giữa hai đội. Lúc thì bên này hô: “Phạm lỗi kìa!”, còn bên kia bảo “Không!”. Lúc bên kia nói chơi xấu, bên này lại xua tay: Xấu gì đâu…! Cứ thế, trận đấu đã bị cắt vụn bởi những lần tranh cãi. Cuối cùng, nói hoài không xong, hai bên đã triển khai chiến thuật “bỏ bóng đá người”. Được một lúc, thấy trận đấu có thể “vỡ”, tất cả dừng bóng và bắt tay giảng hòa, thi đấu lại từ đầu. Tưởng đã êm, nào ngờ khi ra nghỉ, Trung lại gọi điện thoại nhờ Trần Quốc Dũng đến thanh toán Trẫm.

Chẳng liên quan gì đến mình nhưng khi được nhờ, Dũng đồng ý, lấy một con dao rồi rủ thêm Văn Minh Tuấn đến sân. Đến nơi, cả hai đã lao đến chỗ Trẫm rồi ra tay. Trẫm bỏ chạy nhưng vẫn bị Dũng cùng bạn đâm gây thương tật 37%.

Cơ quan điều tra đã vào cuộc dù người bị hại có đơn bãi nại. Sau đó, TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Trần Quốc Dũng sáu năm tù, Đỗ Thành Trung, Văn Minh Tuấn mỗi bị cáo năm năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích. Tòa còn buộc các bị cáo bồi thường cho người bị hại 40 triệu đồng.

Chơi đá bóng, lại … vào tù! ảnh 1

2. Tương tự, chiều 5-3, nhóm Trần Anh Tài đến sân bóng Fami ở Nha Trang để đá bóng với nhóm của Huỳnh Thanh Đỏ. Trong lúc đá bóng, Đỏ và Tài va chạm với nhau. Bực tức, tàn trận Tài rủ bạn đón đường chờ Đỏ đi ra để đánh. Chờ lâu không thấy Đỏ ra, Tài rủ cả nhóm quay lại sân bóng. Đến nơi, Tài lao tới chỗ Đỏ ngồi uống nước mía đánh vào mặt Đỏ. Đỏ đưa tay lên đỡ, Tài tiếp tục dùng ghế nhựa của quán nước mía đập vào đầu nạn nhân gây thương tật 30%. Tín đứng ở ngoài, thấy Tài đánh Đỏ cũng cầm mũ bảo hiểm xông vào đánh Đỏ nhưng được Quốc can ngăn. Sau đó, cả nhóm của Tài bỏ đi. Đến ngày 20-4, Tài bị Công an TP Nha Trang bắt giữ...

Mới đây, TAND TP Nha Trang cũng đã tuyên phạt Trần Anh Tài (học sinh lớp 11) bốn năm tù, Hồ Trung Tín (sinh viên năm hai) hai năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích. Tòa còn buộc hai bị cáo phải bồi thường cho người bị hại gần 28 triệu đồng. Riêng với một số bạn của Tài, xét nhân thân là học sinh, sinh viên, sự việc xảy ra hoàn toàn do Tài chủ động và không có hành vi gì thể hiện trong việc tích cực giúp sức cho Tài nên cơ quan điều tra đã ra quyết định xử lý hành chính.

3. Qua hai vụ án cho thấy lẽ ra phải làm đẹp thêm môn thể thao vua, các bị cáo đã xử sự không đúng cách để rồi người lãnh thương tích, người rời ghế giảng đường vào tù như Tài, như Tín.

Ông bà ta nói chẳng sai chút nào: “Một điều nhịn chín điều lành”. Nếu họ biết nhường nhịn nhau thì đâu đến nỗi chuốc họa vào thân. Những cơn giận trong phút chốc đã trở thành nguyên do gây hại cả đời là một loại vụ án thường thấy nhất. Những câu chuyện thông thường ấy có thể xảy đến với bất kỳ ai, với những bị cáo đang phải đứng trước vành móng ngựa.

Tôi đã từng theo dõi nhiều phiên xử, thấy không ít bị cáo, có bị cáo khuôn mặt còn non nớt, nhiều bị cáo trước tòa đã khóc và xin lỗi gia đình người bị hại vì không thể chuộc lại cơn giận của mình. Tại sao mình đã hành động như vậy? Tại sao mình không thể kiềm chế? Tại sao mình không dừng lại một phút để suy nghĩ? Tại sao đã không có một sự việc gì đó, một động tác của ai đó để ngăn cản mình...? Và ai cũng đều thành tâm hứa trước HĐXX: “Nếu sự việc diễn ra một lần nữa, chắc chắn bị cáo sẽ hành động khác”. Lời hứa ấy cũng chỉ có thể đến sau những ngày dằng dặc trong trại giam.

Cái giá phải trả cho những cơn giận dữ là máu đổ, là cuộc sống, tình cảm bị tước đoạt, là tự do bị đánh mất. Cơn giận dữ lẽ ra có thể qua đi trong một phút đã ở lại mãi trong đời họ. Bởi họ đã không biết nhẫn nhịn mà cứ cho rằng: “Con trai mà, có nhiều chuyện không thể giải quyết được bằng lời nói”. Song trước pháp luật, chẳng bao giờ những lời giải thích tương tự ấy được chấp nhận. Trước mất mát, chẳng lý lẽ nào có thể chuộc lại được đau đớn. Và khi đó người ta lại ân hận: “Giá như…”.

Giá như họ biết kiềm chế bản thân, đừng vì quá giận mà mất khôn, đừng vì một chút hơn thua mà chuốc họa. Giá như những bài học kinh nghiệm như vậy được mọi người nhớ tới mỗi khi giận dữ. Giá như ai cũng có thêm một chút nhẫn nhịn để mang đến cho mình, cho người khác một điều lành thì sẽ không còn những phiên tòa đầy nước mắt…

HOÀNG VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm