Cho TP.HCM cơ chế đặc thù: Tạo động lực phát triển

Sáng 14-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Hầu hết các đại biểu (ĐB) đều ủng hộ với đề nghị của Chính phủ là cho TP.HCM được hưởng một số cơ chế đặc thù về đất đai, ngân sách, tài chính, lương cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC)… để tạo sức bật cho TP phát triển, xứng đáng với đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tăng thu nhập cho cán bộ

Theo tờ trình về dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề nghị cho TP.HCM tự quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCCVC thuộc TP quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của TP.

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho hay Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với đề xuất này. Tuy nhiên, để thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, đề nghị đối với công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm (khoản tăng thêm so với mức lương cơ bản) theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc; đồng thời quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước.

“Như vậy vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước” - ông Hải phân tích.

Đồng ý với đề xuất này, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng cần có cơ chế thu nhập tăng thêm cho CBCC của TP.HCM để thu hút người tài, nguồn nhân lực cao vào bộ máy của TP.

“Tình trạng chảy máu chất xám ở khu vực nhà nước là rất phổ biến vì nhiều người không sống nổi với mức lương công chức. Nhất là ở đô thị lớn như TP.HCM thì mức sống, giá cả sinh hoạt cao hơn, áp lực càng lớn đối với CBCC. Vì thế nên cho TP.HCM tự chủ việc trả lương là hướng tốt để giúp giữ người tài” - ông Phương nhấn mạnh.

Nếu được cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ thêm sức bật trong phát triển, xứng đáng với đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: HTD

Đánh thuế tài sản, tăng thuế môi trường…

Tại phiên thảo luận, phần lớn các ĐB ủng hộ việc cho TP.HCM được thí điểm chính sách thuế tài sản. Đại diện cho ý kiến này, ĐB Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) đề nghị cần quy định rõ đối tượng, là chỉ nên đánh thuế vào người sở hữu bất động sản thứ hai nhưng đang bỏ không, không đưa vào sử dụng. “Đánh thuế vào đối tượng này vừa có thêm nguồn thu, vừa tăng được hiệu quả sử dụng của bất động sản. Nếu chủ trương đánh thuế bất động sản không giải thích rõ, sau khi ban hành nghị quyết, giá đất tại TP.HCM giảm ngay” - ông Tịnh lưu ý.

Riêng với đề xuất cho TP.HCM được tăng mức thuế hoặc thuế suất cao hơn so với quy định của các sắc thuế hiện hành (trừ thuế xuất nhập khẩu), nhiều ĐB tỏ ra lo lắng nếu tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sức cạnh tranh của TP. Về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Có nhiều loại thuế tăng là hợp lý, cụ thể như thuế bảo vệ môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ… Tuy nhiên, nếu tăng tất cả loại thuế (trừ thuế xuất nhập khẩu) thì không hợp lý, sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của TP”.

Theo đó, Chủ tịch QH cho rằng cần lựa chọn một số chính sách thuế thuộc các lĩnh vực mà TP đang phải chịu gánh nặng để giảm tải vấn đề ô nhiễm, ùn tắc giao thông… để thí điểm.

Trước băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích chính sách tăng thu các mức thuế ngoài khung cho TP.HCM (kể cả thuế tài sản) thì TP phải có đề án đánh giá rất cụ thể, nhiều mặt trình lên Chính phủ nghiên cứu, quyết định để trình Thường vụ QH.

“Không phải là tăng tất cả loại thuế. Như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt thì có thể làm được ngay nhưng phải có đề án chi tiết. Tinh thần là mở rộng cơ sở thu, đảm bảo hài hòa, phù hợp điều kiện thực tế của TP. TP ngập lụt như thế, ô nhiễm như thế thì cho phép TP quy định tăng lên” - ông Dũng nói.

Đừng hẹp hòi với TP

Theo dự thảo nghị quyết, TP.HCM được sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập và hai bệnh viện tuyến cuối của TP. Tuy nhiên, ngân sách trung ương sẽ không bổ sung cho TP 18.800 tỉ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Một số ĐB băn khoăn: Tại sao (trong tờ trình của Chính phủ) đề nghị để lại cho TP 20.000 tỉ đồng (từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý) nhưng lại thu lại 18.800 tỉ đồng (10.000 tỉ đồng từ dự án chống ngập và 8.800 tỉ đồng của hai dự án bệnh viện tuyến cuối)?

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Cho cái này lấy lại cái kia, như vậy hẹp hòi quá. Đã cho cơ chế đặc thù rồi, chưa biết người ta thu lại được bao nhiêu đã lấy lại số này. Tôi nói 18.800 tỉ đồng này để lại cho TP có khi tạo ra nhiều cái 18.800 tỉ đồng để làm lợi về cho đất nước. Nên đã tạo động lực, đã cho vượt trội, đặc thù thì cho thêm chứ đừng lấy bớt”.

Phân tích quan điểm của mình, Chủ tịch QH nhắc lại lời của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Nếu tôi cần động lực phát triển, tôi có trong tay nguồn lực tôi sẽ cho ai trước, đầu tư vào chỗ nào trước?... Tôi sẽ đầu tư vào chỗ động lực, người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để tạo ra lực lượng của cải vật chất và tôi lấy cái đó làm đầu tàu kéo những người chưa biết làm ăn, người nghèo đi lên. Còn nguồn lực đó chia nhỏ ra thì tất cả nắm tay nhau cứ đi ngang, cùng nghèo và rất chậm để có người khá, người giàu”.

Liên quan đến nội dung này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho biết về số tiền 18.800 tỉ đồng đầu tư cho dự án chống ngập và hai dự án bệnh viện tuyến cuối thuộc nguồn vốn do ngân sách trung ương đảm bảo, đa số ý kiến đề nghị trung ương bố trí vốn cho TP thực hiện các dự án theo kế hoạch đầu tư công đã được QH quyết định.

Đầu tàu chậm thì các toa cũng chậm theo

Cho TP.HCM cơ chế đặc thù: Tạo động lực phát triển ảnh 2
Chủ tịch QH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Hiện TP.HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất cả nước, tỉ lệ điều tiết về ngân sách trung ương cũng lớn nhất. TP.HCM thu 100 đồng thì chỉ được để lại 18%, còn 82% là điều tiết về ngân sách trung ương.

Vừa qua, TP.HCM phải chịu áp lực rất lớn với việc bị cắt giảm tỉ lệ ngân sách để lại, từ 23% xuống còn 18%, giảm liền 5%. Tôi theo dõi quá trình phát triển TP.HCM, nhất là về ngân sách thì tôi cho rằng với TP.HCM mà tỉ lệ điều tiết, để lại dưới 20% thì không thể nào phát triển được.

Vừa qua, dù TP vẫn phát triển nhưng tốc độ đã chậm hơn. Mà vùng động lực, đầu tàu lại chậm thì tất cả toa kéo theo cũng sẽ chậm đi, rất đáng lo ngại. Cho nên quy định cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không phải chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước. Phải tiếp cận ở nhận thức như vậy.

Chủ tịch QH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

Nên cho TP tự chủ hơn trong tuyển dụng

Cho TP.HCM cơ chế đặc thù: Tạo động lực phát triển ảnh 3
ĐB NGỌ DUY HIỂU

Ngoài việc cho TP.HCM quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm đối với CBCCVC của mình thì nên cho TP.HCM được tự chủ mạnh hơn trong việc tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài chứ không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay.

Thậm chí có thể để TP.HCM được thí điểm cho CBCCVC một số lĩnh vực làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan. Nhiều lĩnh vực CBCCVC có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện, nước…

Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin nên có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà.

ĐB NGỌ DUY HIỂU (Hà Nội)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm