Cho heo ăn chất cấm: Sạt nghiệp như chơi!

“Nếu tiếp tục đưa các chất cấm vào chăn nuôi, người vi phạm không những bị phạt nặng tới mức trắng tay mà còn bị xử lý hình sự, hình phạt cao nhất đến 20 năm tù” - ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), nhấn mạnh tại hội thảo quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra ngày 24-4 tại Hà Nội.

Buổi hội thảo đặt ra nhiều vấn đề xử lý nghiêm đối với người kinh doanh, sử dụng đầu độc người tiêu dùng. Đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế và các ngành liên quan cũng tham gia.

Không còn phạt rồi tái diễn vi phạm

Ông Dương cho hay mới đây lần đầu tiên tỉnh Tiền Giang đã tiêu hủy những con heo được nuôi bằng chất cấm. “Việc thanh tra, xử lý hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong năm 2016 sẽ được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã khẳng định đến cuối năm nay phải xóa bỏ hoàn toàn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” - ông Dương nhấn mạnh.

Đáng chú ý, từ ngày 1-7, BLHS sửa đổi có hiệu lực thi hành, sẽ có các hình thức chế tài mạnh tay hơn đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Cụ thể, Điều 317 bộ luật này quy định chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến bảo quản thực phẩm đều có thể bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Việc xử lý hình sự này không cần phải có hậu quả chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như quy định cũ.

Cảnh sát môi trường đang kiểm tra một công ty dược được cho là dùng chất cấm salbutamol làm thuốc thú y. Ảnh: N.TÂN

Ngoài ra, ông Dương còn cho rằng khi xử phạt hành chính thì mức phạt tiền có thể lên đến trên 1 tỉ đồng. “Bất kỳ ai nếu tiếp tục đưa các chất cấm vào chăn nuôi thì không những bị phạt tiền ở mức cao mà còn vướng vào vòng lao lý. Nói cũng đã nói rồi, tới đây ai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Dương cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, còn hai tháng nữa BLHS sửa đổi có hiệu lực. Bộ Công an, VKSND Tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý hình sự người sử dụng chất cấm.

“Đánh” vào từng hộ, từng lò mổ

Ông Nguyễn Văn Việt cũng tuyên bố Thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ tập trung kiểm tra các nguồn cung cấp chất cấm. “Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết sẽ đưa salbutamol vào diện kiểm soát đặc biệt. Các doanh nghiệp nhập khẩu chất này phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng” - ông Việt thông tin.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, vấn đề sử dụng chất cấm như salbutamol, chất vàng ô còn phức tạp. Vì vậy, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý những vi phạm trong việc nhập khẩu, kinh doanh. “Năm 2016 là năm hành động cao điểm về an toàn thực phẩm. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở rộng kiểm soát chất vàng ô, salbutamol, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ” - ông Tám cam kết.

Cụ thể hơn, ông Tám cho biết Bộ NN&PTNT, Bộ Công an tiếp tục thanh tra, kiểm tra từng trang trại, từng lò mổ và từng hộ gia đình. Tuy nhiên, ông Tám cũng kêu gọi đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng biết được sự nguy hại của chất cấm trong chăn nuôi để đẩy lùi thực phẩm bẩn. “Sản phẩm chăn nuôi, nông nghiệp phải đảm bảo an toàn. Điều này không chỉ liên quan đến sức khỏe người dân mà còn là khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, là uy tín quốc gia” - ông Tám nói.

Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, C49 đã cùng vào cuộc và phanh phui hàng trăm vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Việc ngăn chặn chất cấm, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật để người tiêu dùng không quay lưng lại với nông sản Việt, để các nhà đầu tư nước ngoài không nhân cơ hội này nhảy vào “cướp” thị trường nông sản đầy tiềm năng của Việt Nam.

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG,
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm