TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG:

Xử tham nhũng, không có đặc quyền, ngoại lệ

Ngày 5-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ năm 2013 đến nay, thống nhất nhiệm vụ thời gian tới. Đây là hội nghị quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN được tổ chức lại theo mô hình mới.

Phát hiện chưa tương xứng thực trạng

Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về PCTN, kể từ khi ban được tổ chức lại kèm theo việc tái lập Ban Nội chính từ trung ương tới địa phương đến nay, hàng loạt công việc đã được triển khai. Lớn nhất là bảy đoàn công tác của trung ương đã đi kiểm tra, giám sát việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Nằm trong chương trình này, tất cả tỉnh, thành ủy, các bộ, ngành đã tự kiểm tra, rà soát công tác PCTN của chính mình. Cùng thời gian, nhiều văn bản, quy định mới của Đảng, Nhà nước được ban hành đã góp phần tích cực vào hiệu quả của công cuộc PCTN.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của BCĐ cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế, vốn diễn ra lâu nay mà vẫn chưa khắc phục được. Đó là các giải pháp phòng ngừa chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó kê khai tài sản dù đã nâng lên một bước là phải công khai tại cơ quan, vẫn chưa phát huy hiệu quả. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa nghiêm, số bị xử lý chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng bị phát hiện.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đứng giữa) đang trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: NN

Số vụ việc được phát hiện, xử lý qua ba lực lượng chủ chốt: thanh tra, kiểm toán, điều tra còn thấp, chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng. Có những vụ việc tự phát hiện được nhưng lại có ý muốn xử nhẹ, xử trong nội bộ. Một số trường hợp đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu tiêu cực, áp dụng chưa đúng quy định pháp luật. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp, năm 2013 chỉ đạt 10%. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo tham nhũng, trong khi việc khen thưởng thì mang tính hình thức, có trường hợp người có công tố cáo từ chối khen thưởng vì chưa tin vào kết quả giải quyết tố cáo…

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo BCĐ, trước hết là do “nói không đi đôi với làm”. Các chỉ đạo, quyết định của Đảng, Nhà nước ở trung ương thể hiện quyết tâm chính trị cao nhưng hành động thực tiễn của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng thì vẫn tụt lại ở khoảng cách xa. Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu đang trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước, dẫn tới tiêu cực, tham nhũng khi có điều kiện thuận lợi…

Chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng

Về giải pháp khắc phục, BCĐ Trung ương về PCTN đề nghị thời gian tới cần nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật Hình sự những hành vi tham nhũng đã được quy định trong Luật PCTN. Có chính sách khoan hồng với người tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác.

Bên cạnh đó cần nghiên cứu khả năng áp dụng chế tài đối với hành vi “làm giàu bất hợp pháp” theo khuyến cáo của Công ước LHQ về chống tham nhũng. Sớm nghiên cứu, bổ sung chế định thu hồi tài sản tham nhũng vào luật để nâng cao hiệu quả việc xác minh, truy tìm, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, trên cơ sở có đi có lại để qua đó cơ quan pháp luật nước ngoài giúp xác minh, phong tỏa tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ Việt Nam để thu hồi về cho đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải “kiên quyết, kiên trì xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”. Ông Trọng cũng cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa phương. “Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên rà soát danh sách các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, báo cáo BCĐ Trung ương để có biện pháp chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài” - Tổng Bí thư yêu cầu.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu hệ thống các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN phải được tiếp tục hoàn thiện về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ. “Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng” ông Trọng nói và yêu cầu phải bố trí những cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, có năng lực chuyên môn, có dũng khí và có bản lĩnh, dám đương đầu để làm công tác chống tham nhũng… “Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm. Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

NGHĨA NHÂN

 

Đề xuất tiến hành biện pháp ngăn chặn đặc biệt

Đề nghị nghiên cứu, bổ sung luật theo hướng cho phép cơ quan điều tra được tiến hành các biện pháp ngăn chặn cần thiết và các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt trước khi khởi tố bị can với đối tượng bị tình nghi tham nhũng, tương tự như quy định đấu tranh với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an LÊ QUÝ VƯƠNG

Tài sản bất minh, không giải trình được sẽ bị thu hồi?

Quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi. Năm 2012-2013 có 364 người nộp lại, giá trị 178 triệu đồng. Còn dịp tết Nguyên đán 2014 vừa qua, theo báo cáo của các bộ ngành, địa phương, không có trường hợp nào nộp lại quà tặng.

Về kê khai tài sản, mới đây đã bổ sung thêm cơ chế giải trình tài sản và xử lý tài sản bất minh. Tuy nhiên, quy định này vẫn bộc lộ sự lúng túng, vướng mắc. Chưa gắn kết được việc theo dõi thuế thu nhập cá nhân với kê khai tài sản. Nghị quyết của Đảng đã định hướng công khai bản kê khai tài sản cả ở cơ quan, đơn vị nơi công tác và nơi cư trú nhưng đến nay việc công khai tại nơi cư trú vẫn chưa được thể chế hóa vào luật. Vì vậy, đề nghị tiếp tục sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng giao cho một cơ quan ở trung ương làm đầu mối quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm soát, tiếp nhận, xử lý thông tin, xác minh về tài sản, thu nhập. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Hình thành cơ chế xử lý với các khoản thu nhập không kê khai hoặc khai không chính xác. Bổ sung quy định về việc tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà không giải trình được một cách hợp lý thì bị coi là tài sản bất hợp pháp, phải tịch thu và người có sai phạm đó bị xử lý kỷ luật, hành chính hoặc truy cứu hình sự. Ngoài ra, để thuận lợi cho kiểm tra, giám sát, theo dõi tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, cần có quy định bắt buộc khi mua, bán tài sản giá trị lớn thì phải thanh toán qua tài khoản.

Tổng Thanh tra Chính phủ HUỲNH PHONG TRANH

Tăng cường tính minh bạch trong điều tra

Thực tiễn công tác xét xử án tham nhũng thời gian qua cho thấy trong một số vụ án, bị cáo về tội tham nhũng trong hồ sơ thì nhận tội nhưng ra tòa lại phản cung, nói bị ép cung, bức cung, nhục hình. Hồ sơ, tài liệu chứng cứ thì thiếu chặt chẽ, lời khai mới tòa lại khó xác minh nên có khi phải trả lại để điều tra bổ sung, dẫn tới vụ án kéo dài. Để khắc phục, đề nghị tăng cường tính minh bạch trong điều tra. Nên thiết kế phòng hỏi cung bằng kính trong, có luật sư tham gia chứng kiến việc hỏi cung.

Phó Chánh án TAND Tối cao NGUYỄN SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm