Xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch từ công tác cán bộ

Ngày 21-12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 4 nhằm thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo công tác mặt trận năm 2020 và đường hướng hoạt động, chương trình hành động năm 2021.

Phản biện nhiều nhưng còn thiếu

Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã đề nghị “các cụ, các vị, các đồng chí tiếp tục mang tâm huyết, kinh nghiệm, trí tuệ giúp cho công tác mặt trận ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới”.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn Chủ tịch, nhận định vừa qua MTTQ giám sát, phản biện nhiều nhưng chưa tham gia với Đảng về công tác xây dựng, đào tạo cán bộ.

Ông Túc đề cập đến số lượng 27 ủy viên Trung ương bị kỷ luật, thậm chí có trường hợp phải khai trừ Đảng, xử lý hình sự. Đáng nói, ở Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM có cả những lãnh đạo đứng đầu, đương chức bị kỷ luật.

Ông Túc nhắc tới các trường hợp như ông Đinh La Thăng, ông Tất Thành Cang ở TP.HCM; ông Nguyễn Xuân Anh, ông Trần Văn Minh ở Đà Nẵng; ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Đức Chung ở Hà Nội. Ông Túc cho rằng: Với công tác cán bộ, MTTQ cần đóng góp ý kiến theo đúng Quyết định 217/2018 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội.

Quyết định nói trên quy định rằng: MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Và theo ông Túc, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì trước hết phải xây dựng cán bộ.

“Tôi đề nghị đồng chí nào vào Trung ương khóa này nên công khai danh sách trước đại hội để dân biết và tham gia góp ý” - ông Túc nói. Ông cho rằng: Thời gian qua, MTTQ góp ý và vì vậy đã phát hiện ra nhiều trường hợp cán bộ cấp cao không đủ tiêu chuẩn. Việc công khai danh sách chỉ có tác dụng trong sạch đội ngũ.

Đồng tình với ý kiến này nhưng ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói công khai danh sách cán bộ trước đại hội là rất tốt nhưng vẫn phải công khai theo nguyên tắc của Đảng trong việc giới thiệu, thẩm định. Thông qua khu dân cư, thông qua cơ quan quản lý cán bộ, thông qua các tổ chức hệ thống giám sát để đánh giá đúng cán bộ khi giới thiệu thì đấy cũng là dân chủ.

“Ví dụ như tôi sống ở phố Thợ Nhuộm, TP Hà Nội, tôi làm cái gì, bất minh hay không thì nhân dân biết hết. Do đó, hãy mở rộng dân chủ cho người dân thẩm định, phát hiện. Hay ở cơ quan, nếu giới thiệu ai thì anh em cơ quan biết hết chứ không nhất thiết phải công bố trên toàn quốc cho phức tạp” - ông Duyệt nói.

Ông Duyệt đề nghị Đảng tạo điều kiện giám sát cho tổ chức mặt trận mà cụ thể là các tầng lớp nhân dân thông qua hội cựu chiến binh, công đoàn… vì họ biết tất cả tiêu cực, tham nhũng không những ở cơ quan mà còn ở các nơi khác.

Tìm người là rất quan trọng

Vẫn về công tác xây dựng Đảng, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói năm 2020 mặt trận đã làm được nhiều việc góp vào thành công chung của đất nước trong hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, mặt trận đã tham gia quyết liệt vào thành công chung của đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Mặt trận đã góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về Đảng hiện nay, vừa phát huy trí tuệ của nhân dân đóng góp vào các văn kiện đại hội Đảng các cấp.

Ở góc độ giám sát, ông Truyền nói ngoài việc giám sát công tác phòng, chống tham nhũng cần bổ sung thêm chương trình giám sát việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của những người đã có trong quy định, từ đó tham gia giám sát đảm bảo việc kê khai tài sản không hình thức.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khẳng định: Hiện Đảng có 5 triệu đảng viên, trong đó có một phần không nhỏ đảng viên hoạt động ngoài quốc doanh và muốn thành lập chi bộ, đảng bộ trong các hiệp hội, tập đoàn. Ông Thân đề nghị Đại hội XIII tới đây cần đánh giá thêm việc thành phần trí thức, thành phần doanh nghiệp tham gia vào công tác chính trị - xã hội của đất nước.

Ông Phạm Thế Duyệt đề cập sự kiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra trong năm tới và cho rằng Đảng lãnh đạo nhưng “tìm người” có phần rất quan trọng của mặt trận để thiết lập được danh sách bầu cử theo chức năng hiệp thương.

Việc hiệp thương này phải đạt được mục tiêu kép là thực hiện nghị quyết tốt, đồng thời cũng chọn được cán bộ ít tham nhũng, tiêu cực. “Để tìm được những cán bộ như vậy, chúng ta phải tổ chức tốt hiệp thương thực chất, tránh hiệp thương hình thức. Nhận xét, đánh giá cán bộ cũng phải thực chất, chứ đừng vì một điều gì đó mà làm giảm tính thực chất” - ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.

 Bảo vệ phóng viên chống tham nhũng

Bà Hà Thị Liên, ủy viên Đoàn Chủ tịch, đề cập đến việc mặt trận đã huy động được báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng qua giải báo chí của mình.

“Có thể nói để có được những tác phẩm này, phóng viên đã phải căng mình xâm nhập vào thực tế, đối diện với hiểm nguy. Chính vì vậy, MTTQ Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên cần có những cơ chế bảo vệ những người làm báo, những con người thầm lặng bám đuổi từng vụ việc, từng hành vi tiêu cực, tham nhũng” - bà Hà Thị Liên đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm