Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Khâu tổ chức cán bộ đang lạc hậu

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Khâu tổ chức cán bộ đang lạc hậu ảnh 1
Nhìn nhận công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa sống còn với chế độ, Hội nghị Trung ương lần 4 đã nêu ra những vấn đề cấp bách cần làm ngay với ba nhánh hành động trọng tâm là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; thiết lập đội ngũ cán bộ có chất lượng phù hợp với thời đại và xác lập rõ ràng trách nhiệm người đứng đầu. Ba vấn đề này liên quan rất chặt chẽ với công tác tổ chức cán bộ nên Đảng cũng xác định về lâu về dài “phải khẩn trương đổi mới công tác tổ chức cán bộ”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Kim Đĩnh, nguyên chuyên viên cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương (ảnh), nói:

Nguyên lý cứng xuyên suốt trong công tác tổ chức là Đảng lãnh đạo công tác cán bộ. Nhưng cần lưu ý là sự lãnh đạo ấy phải đổi mới về hình thức, phương pháp và cơ chế theo đặc điểm của từng thời kỳ để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cơ chế lạc hậu và chủ nghĩa cơ hội xâm chiếm

. Theo ông, công tác tổ chức cán bộ của ta hiện nay có phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn?

+ Phương thức tổ chức cán bộ của ta hiện nay đã lạc hậu vì vẫn còn giữ nguyên như thời kỳ chiến tranh, bao cấp. Trong thời chiến, Đảng lãnh đạo tập trung, trực tiếp để nắm tình hình một cách sâu sát, phục vụ nhanh nhạy cho công tác chiến tranh. Đến thời bao cấp, ta có thể tiếp tục duy trì phương thức ấy vì công tác cán bộ của ta chịu tác động bởi quy luật cân đối có kế hoạch, tổ chức cán bộ được xem là một chỉ tiêu của kinh tế - xã hội nên hằng năm, trên quyết định bao nhiêu, phân bổ cấp nào thì cứ thế mà làm.

Nhưng qua giai đoạn kinh tế thị trường với những tác động của quy luật cung-cầu, cạnh tranh, quy luật giá trị sức lao động mà ta vẫn áp dụng cơ chế ấy là không phù hợp nữa. Điều này làm cho đội ngũ cán bộ yếu dần và thực tiễn đã nói lên điều đó.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Khâu tổ chức cán bộ đang lạc hậu ảnh 2

Thi tuyển cạnh tranh cán bộ công chức là một trong những giải pháp chọn lựa cán bộ có chất lượng phù hợp. Ảnh: HTD

. Ông nói phương thức tổ chức cán bộ lạc hậu làm cho đội ngũ cán bộ yếu dần, cụ thể thế nào?

+ Phương thức này khi va đập với sự chi phối của các yếu tố của kinh tế thị trường sẽ gây nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, ta áp biên chế cứng, bổ nhiệm xuống không qua cơ chế cạnh tranh năng lực thì sao kiểm soát được chất lượng cán bộ, nên cán bộ không đủ tiêu chuẩn đi bằng đường quen biết, cửa sau mà vào. Hay, ta phân bổ cán bộ kiểu không biết đơn vị đó có thực sự cần một người có trình độ như thế không, cứ bổ về ngồi cho có ghế đã, rồi từ từ tính. Như vậy ở đây cung-cầu đã bị triệt tiêu, tức đơn vị không tuyển được người cần tuyển mà cán bộ về cũng không phát huy được năng lực của mình. Và trên hết là quy luật giá trị sử dụng sức lao động đang hết sức lạc hậu mà biểu hiện cụ thể là tiền lương công chức không đủ sống.

. Nhưng vẫn có rất nhiều người nộp đơn vào cơ quan nhà nước và sự thật là cũng chẳng dễ gì để được nhận vào, thưa ông?

+ Đây là điều “lạ” nhưng không khó để lý giải. Một người có đủ tài năng, say mê cống hiến thì họ sẵn sàng kiếm nơi nào có thể trả tương xứng giá trị sức lao động họ bỏ ra, với một môi trường cạnh tranh lành mạnh để làm việc. Vậy sao vẫn có nhiều người muốn được vào cơ quan nhà nước? Ngoại trừ một số ít những người có khao khát cống hiến thì sự thật một bộ phận không nhỏ muốn vào cơ quan nhà nước với suy nghĩ vào đó có quyền và có quyền thì có tiền. Họ sẵn sàng bỏ tiền để chạy ghế này, chức nọ, tạo ra một lớp cán bộ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Phải nhìn thẳng sự thật là cơ chế của ta hiện nay đang tạo điều kiện cho chủ nghĩa cơ hội xâm chiếm, trong khi đó những người tài thì dạt ra ngoài.

Trao quyền cho người đứng đầu  

. Dư luận cho rằng việc xử không nghiêm cán bộ tham nhũng là một trong những nguyên do tạo nên sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ hiện nay?

+ Tôi cảm nhận có một kiểu xử lý rất kỳ lạ là cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy  mà tham ô, tham nhũng thì lại có chiều hướng xử nhẹ, che giấu. Trong khi đúng ra, làm lãnh đạo mà sai trái thì phải chế tài nặng làm gương. Xét đến cùng cũng là do cơ chế của ta hiện nay tạo điều kiện cho kiểu chọn cán bộ theo sự quen biết vào hệ thống êkíp. Chính cái êkíp này móc nối, liên kết nhau làm cho tiêu cực nhũng nhiễu bị che đậy đi. Tình trạng cán bộ sợ cấp ủy hơn sợ dân là minh chứng cho chuyện ấy.

. Vậy theo ông, muốn khắc phục được những tình trạng trên thì phải bắt đầu từ đâu trong phương thức tổ chức cán bộ?

+ Về căn cơ, chúng ta vẫn phải thay đổi phương thức tuyển dụng cho phù hợp với các quy luật kinh tế thị trường, nhất là phải cải cách triệt để cơ chế tiền lương. Song song đó, ta phải thiết lập cơ chế phân cấp để đơn vị sử dụng, người đứng đầu đơn vị được trực tiếp tuyển cán bộ theo nhu cầu và phải chịu trách nhiệm về quyết định ấy. Cán bộ mà năng lực yếu, sai trái, tham nhũng, quan liêu thì người lựa chọn nhân sự ấy cũng phải chịu trách nhiệm.

Đảng chỉ chọn lựa, giới thiệu nhân sự để bầu vào vị trí đứng đầu cỡ bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, TP..., còn nên tập trung vào lãnh đạo định hướng thông qua chiến lược về công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, tạo nguồn theo chức năng từng vị trí công tác… Như thế sẽ hạn chế tối đa các yếu tố tiêu cực hiện nay đang khuynh đảo công tác cán bộ, tránh tối đa tình trạng anh quyết định chọn lựa, sử dụng cán bộ nhưng khi cán bộ ấy thiếu năng lực, làm việc không tốt, xảy ra tiêu cực thì anh cũng chẳng sao cả.

. Xin cảm ơn ông.

Hình thành cơ chế kiểm tra chéo

Nguyên tắc phê bình và tự phê bình hiện nay khó phát huy tác dụng để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Vì dưới tác động của kinh tế thị trường, khi nhu cầu lợi ích chi phối rất mạnh thì xu hướng không thành thật, che giấu các vi phạm của cán bộ cũng trở nên phổ biến.

Một giải pháp đặt ra là cần hình thành cơ chế kiểm tra chéo trong Đảng để tạo sự giám sát chặt chẽ hơn. Hiện nay chúng ta vẫn duy trì cơ chế kiểm tra dọc, rất khó phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Một ý kiến cũng cần phải cân nhắc xem xét là xây dựng luật về Đảng để làm cơ sở xử lý mạnh tay hơn những cán bộ, đảng viên sai phạm; củng cố kỷ cương, phép nước.

Ông NGUYỄN KIM ĐĨNH

MINH CƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm