DỰ ÁN LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Xã, huyện có được ra văn bản quy phạm pháp luật?

“Không nên đưa văn bản hành chính vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật”. Đó là ý kiến chung tại buổi làm việc chiều 9-3 trong phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Pháp luật càng đơn giản, càng dễ thực thi

Trước đây, dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật đưa ra hai phương án: Phương án 1 đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm cả việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) lẫn văn bản hành chính. Phương án 2 là chỉ điều chỉnh việc ban hành VBQPPL.

“Quốc hội đã rút lại quyền ban hành VBQPPL của cấp tổng cục và cục, giờ chỉ còn cấp bộ, đồng thời rút lại nhiều hình thức ban hành VBQPPL… Hệ thống pháp luật càng đơn giản bao nhiêu thì càng dễ thi hành bấy nhiêu, càng đóng góp cho sự phát triển đất nước” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh như vậy khi trình bày ý kiến của Chính phủ về dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật.

Theo ông Cường, VBQPPL và văn bản hành chính có sự khác biệt lớn về bản chất. Loại văn bản đầu tạo ra quy tắc xử sự chung cho toàn xã hội, thuộc thẩm quyền lập pháp và ủy quyền lập pháp của Quốc hội. Loại văn bản sau là văn bản áp dụng pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan khác của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, kể cả của cơ quan dân cử và các tòa án để giải quyết các vấn đề cụ thể của cá nhân, tổ chức (áp dụng cho từng trường hợp cụ thể). Vì vậy rất khó khả thi nếu ghép Luật Ban hành văn bản pháp luật với Luật Ban hành văn bản hành chính, đang được xây dựng theo nghị quyết của Quốc hội.

Cũng theo ông Cường, việc ghép hai luật không làm đơn giản hơn hệ thống pháp luật như mục đích đề ra mà trái lại còn làm phức tạp hơn hệ thống pháp luật, ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật vốn đang yếu kém.

Cùng quan điểm, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cũng nói nên tách ra thành hai luật riêng để phân biệt cho rõ ràng.

Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với phương án 2 của dự thảo là không mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, đồng thời đổi tên luật này thành Luật Ban hành VBQPPL.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Thu gọn đầu mối ban hành văn bản?

Hầu hết các ý kiến trong buổi làm việc đều đề nghị thu gọn thẩm quyền ban hành VBQPPL để tránh sự chồng chéo, dẫn tới hiện tượng “quy định có nhưng khó thực thi”.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nói: “Cần giảm đầu mối các cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL. Không nên quy định xã, huyện có quyền ban hành VBQPPL vì hai cấp này không có quyền ban hành chính sách. Thực tế cho thấy nhiều văn bản do hai cấp này ban hành chỉ là sự sao chép không đầy đủ, thậm chí có sự vi phạm về nội dung, thẩm quyền”.

Về vấn đề này, báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng nên giữ thẩm quyền ra văn bản của cấp huyện để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tuy nhiên, phải xác định rõ cơ quan có thẩm quyền ban hành và hình thức ban hành văn bản, đồng thời quy định chặt chẽ về phạm vi, điều kiện, quy trình ban hành. Đối với cấp xã, đây là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật, do đó không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành VBQPPL.

Về vấn đề bỏ hình thức thông tư, thông tư liên tịch, nhiều ý kiến nhận xét mong muốn này khó thực thi bởi “với tốc độ xây dựng luật hiện hành, không thể nào cụ thể hóa, quy định chi tiết được trong luật” nên vẫn phải cần có nghị định, thông tư hay thông tư liên tịch.

“Tôi cũng mong bỏ hết thông tư nhưng nếu thế thì nghị định phải quy định chi tiết. Hoặc nếu luật quy định chi tiết hết thì không cần phải giao cho Chính phủ ban hành nghị định. Nhưng thực tế có làm được như thế hay không?” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn.

Việt Nam chủ động chuẩn bị cho IPU-132

“Việt Nam là chủ nhà nên phải chủ động trong chuẩn bị nội dung của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132). Công tác phục vụ cho IPU phải thể hiện rõ được nét văn hóa, tinh thần dân tộc Việt Nam, vì hòa bình, tiến bộ, hợp tác, phát triển vì bình yên của nhân loại...” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc sáng qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị Đại hội IPU-132 tại Hà Nội vào cuối tháng 3-2015. 

Theo báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, hiện đã có 126 đoàn đăng ký tham gia, gồm nghị viện thành viên 97 đoàn, quan sát viên 17 đoàn, thành viên liên kết bốn đoàn, khách mời của IPU tám đoàn. Trong đó có 34 chủ tịch nghị viện/Quốc hội, 31 phó chủ tịch nghị viện/Quốc hội và hai chủ tịch thành viên liên kết.

Dự kiến đại hội chính thức IPU-132 sẽ tiến hành từ ngày 28-3 đến 1-4 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. IPU-132 dự kiến sẽ thông qua “Tuyên bố Hà Nội”, văn bản này sẽ được trình hội nghị thượng đỉnh những người đứng đầu các cơ quan lập pháp vào tháng 8-2015 và là văn kiện quan trọng của IPU gửi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9-2015.

MTTQ được quyền góp ý về công tác cán bộ

Đó là đề xuất của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước tại phiên họp khi bàn về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi). Theo ông Phước, nên quy định thêm vai trò MTTQ được góp ý cho Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ theo đề nghị của các cơ quan đó. “MTTQ sẽ tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến nhân dân, ví dụ như việc bầu trưởng thôn, thậm chí cũng có ý kiến còn đang đề nghị áp dụng với cả việc bầu chủ tịch xã” - ông Phước nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm