Viết chính xác là cách bảo vệ phóng viên tốt nhất

“So với các phóng viên lĩnh vực khác, phóng viên viết lĩnh vực nội chính gặp nhiều khó khăn hơn khi tác nghiệp, đổi lại bài viết có độ rung xã hội cao vì nó chạm vào thân phận con người, chạm vào cuộc sống của nhiều tầng lớp. Nếu phóng viên bất cẩn sẽ mang đến nhiều thiệt hại cho họ…” - bà Phạm Thục, Chủ nhiệm CLB phóng viên nội chính thuộc Hội Nhà báo TP.HCM, mở đầu cuộc tọa đàm “Làm thế nào để bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp, nâng cao nghiệp vụ và chất lượng tin, bài trong lĩnh vực nội chính” ngày 18-6.

Cả guồng máy bảo vệ phóng viên khi tác nghiệp

Nhiều ý kiến đồng tình: Viết chính xác là cách bảo vệ phóng viên tốt nhất.

Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, cho rằng phóng viên nội chính phải tự bảo vệ mình bằng kiến thức, hiểu biết và bản lĩnh. Cách bảo vệ tốt nhất là phóng viên không lợi dụng chức năng của báo chí để “lồng ghép” động cơ cá nhân. Nhiều nhà báo đã bị nhận các hình thức xử lý rất nặng khi có động cơ không phù hợp. Nếu phóng viên đưa vụ việc mà xã hội quan tâm nhưng thông tin lại không đúng, xâm hại đến danh dự, lợi ích của người khác thì hết sức nguy hiểm. Chỉ khi nào thông tin được dư luận đồng tình, tạo ra sự chuyển biến tốt cho xã hội thì đó chính là sự bảo vệ mình tốt nhất.

Viết chính xác là cách bảo vệ phóng viên tốt nhất ảnh 1

Phóng viên tác nghiệp trong vụ bắt ông Huỳnh Ngọc Sĩ tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Bà Ngô Thị Thu An, Ủy viên Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ, bày tỏ: Thông tin trong lĩnh vực nội chính tương đối phức tạp, đòi hỏi nhanh, chính xác. Chẳng hạn, khi xảy ra vụ án, các phóng viên phải có mặt kịp thời tại hiện trường, nắm ngay thông tin và có hình ảnh liên quan. Phóng viên nội chính phải chạy, phải săn tin, phải cạnh tranh với báo bạn và chịu áp lực từ bạn đọc, tòa soạn, ban biên tập. Chính các áp lực đó dễ dẫn đến sai sót. Vì vậy, phóng viên nội chính ngoài kiến thức tổng hợp thì phải có kiến thức chuyên ngành về pháp luật để viết đúng. Phóng viên nội chính còn phải có nền tảng chính trị, đạo đức nghề nghiệp. Phải trả lời câu hỏi là viết cái gì, viết cho ai, đã phản ánh đúng sự thật chưa?

Lạm dụng dấu mật để cản trở nhà báo

Bà Thu An đặt vấn đề: Có nhiều nơi dựa vào quy chế người phát ngôn để tránh né việc cung cấp thông tin cho nhà báo. Có trường hợp người phát ngôn không thực hiện trách nhiệm của mình nhưng không bị chế tài gì…

Trao đổi vấn đề này, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước nói: “Khi tác nghiệp, nhà báo có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng cung cấp thông tin và họ phải có nghĩa vụ trả lời, trừ những thông tin mật. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều văn bản đóng dấu mật không theo quy định pháp luật. Việc đóng dấu mật trên văn bản không đúng cũng là một cách cản trở tác nghiệp của nhà báo”. Ông Phước còn cho rằng tác nghiệp của nhà báo là hoạt động đặc biệt nên ít nhất phải có những quy định bảo vệ nhà báo. Chẳng hạn, chỉ cần hành hung nhà báo (dù tỉ lệ thương tật dưới 11%) vẫn có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc về tội làm nhục người khác…

Ông Đào Văn Lừng, Vụ phó Cơ quan đại diện phía Nam Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận định còn không ít nhà báo nắm luật lơ mơ. Nhà báo bị xử lý trong các vụ án vừa qua một phần do nhà báo nắm không chắc Luật Báo chí. Vì thế, nhà báo phải nắm chắc luật, đặt quyền lợi tối cao của đất nước lên trên hết.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm