Vì sao nhà báo Trần Đăng Tuấn không vượt qua hiệp thương lần 3?

“Trong những người tiêu biểu thì phải lựa chọn những người tiêu biểu hơn. Qua cảm nhận, các đại biểu thấy rằng có những ứng viên có thể đóng góp cho đất nước được nhiều hơn, xây dựng những quyết sách lớn cho đất nước thì đó là quyền của 83 đại biểu (những người tham gia Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 chiều 15-4 của Hà Nội - PV)”.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn đã lý giải như trên về việc một số ứng cử viên đạt tín nhiệm 100% của cử tri nơi cư trú nhưng vẫn bị loại tại vòng hiệp thương cuối cùng vào ngày 15-4 vừa qua.
Lý giải nêu trên được ông Tuấn đưa ra vào chiều 19-4, tại cuộc giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức (2016-2021).

Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Hà Nội phát biểu tại cuộc giao ban báo chí chiều 19-4.

Theo Ủy ban MTTQVN TP Hà Nội, sau hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 (ngày 17-3), có 87 ứng viên được chốt danh sách bầu ĐBQH.
Tại Hội nghị hiệp thương lần 3 (ngày 15-4) đã có 15 người có đơn xin rút và 29 người có tín nhiệm của cử tri không đạt yêu cầu. Theo đó danh sách ứng cử viên còn lại 43 người. Từ danh sách này, hội nghị hiệp thương vòng 3 biểu quyết lựa chọn ra 38 ứng cử viên chính thức bầu ĐBQH.
“Trong danh sách này có một người dự phòng. Từ giờ đến 22-5 có nhiều điều bất khả kháng không ai mong muốn. Nhằm bảo đảm số lượng đại biểu ấn định cho Hà Nội thì cần phải có dự phòng một người để đảm bảo số lượng bầu cử. Còn nếu không có gì thay đổi, trường hợp dự phòng sẽ rút trước ngày bầu cử” -ông Tuấn nói.
Liên quan đến năm ứng cử viên mặc dù đạt 100% tín nhiệm của cử tri (gồm một người được cơ quan tổ chức giới thiệu và bốn người tự ứng cử), trong đó có nhà báo Trần Đăng Tuấn nhưng vẫn bị loại tại hội nghị hiệp thương lần 3, ông Tuấn cho hay: Những người tự ứng cử hay người được giới thiệu đều có quyền bình đẳng như nhau. Việc lấy phiếu tín nhiệm ở nơi cư trú và nơi làm việc là thực hiệu theo quy định trong luật. Các ứng viên phải thực hiện đủ các bước đó mới đủ tiêu chuẩn để vào hiệp thương lần 3.
"Việc đánh giá thế nào, hay ứng viên nhận được ít hay nhiều tín nhiệm là do đại biểu dự Hội nghị hiệp thương lần 3 quyết định. Chúng tôi đã thực hiện đúng quy định, tổ kiểm phiếu gồm ba người (một phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh làm tổ trưởng, một chủ tịch Hội Thanh niên TP Hà Nội và một phó chủ tịch Hội Sinh viên). Hình thức bỏ phiếu, hội nghị đã lựa chọn hình thực giơ tay” - ông Bùi Anh Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Luật Tổ chức Quốc hội quy định rất rõ tiêu chuẩn ứng viên ứng cử đại biểu Quốc hội. Đối chiếu những tiêu chuẩn như gương mẫu chấp hành chủ trương pháp luật, thực hiện phòng, chống tham nhũng, gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, được nhân dân tín nhiệm… từng đại biểu sẽ xem xét quyết định.
Những người vào hiệp thương lần 3 đều đạt tiêu chuẩn vì đã đạt được tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác. Qua đối chiếu hồ sơ lý lịch của các ứng viện cũng đều rất tốt mới được đưa vào danh sách hiệp thương lần 3.
“Tuy nhiên, trong những người tiêu biểu thì phải lựa chọn những người tiêu biểu hơn. Qua cảm nhận, các đại biểu thấy rằng những ứng viên có thể đóng góp cho đất nước được nhiều hơn, xây dựng những quyết sách lớn cho đất nước thì đó là quyền của 83 đại biểu” - ông Tuấn giải thích.
Theo báo cáo của UBMTTQ TP Hà Nội trong danh sách 38 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội có 16 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ (đạt 42,1%), 11 người là thạc sĩ (28,95%) và 11 người có trình độ đại học.
Trong số này, nữ có 15 người, hai người dân tộc Mường, ba người dưới 40 tuổi, năm người tái cử và ba người ngoài Đảng, hai người tự ứng cử.
Đối với 179 người ứng cử ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 có 28 người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; 93 người là thạc sĩ; 57 người đại học và một người tốt nghiệp PTTH.
Trong số này nữ có 66 người, ba người dân tộc Mường, 22 người dưới 35 tuổi, 26 người ngoài Đảng và 35 người tái cử. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm